23/11/2019 12:45 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Từ khi ca trù được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, Hà Nội luôn nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật ca trù. Với sự phát triển của các giáo phường, câu lạc bộ, nhất là với việc đào tạo thế hệ trẻ, ca trù trên địa bàn Thủ đô đang từng bước hồi sinh. Tuy nhiên, để từng bước đưa ca trù thoát khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp, việc gìn giữ, trao truyền, hun đúc tình yêu ca trù cho thế hệ trẻ cần được quan tâm nhiều hơn.
Nhen nhóm những hy vọng
Ca nương Nguyễn Thục Trinh (Giáo phường ca trù Lỗ Khê) năm nay mới 11 tuổi nhưng được đánh giá là một tài năng trẻ hát ca trù ở Hà Nội. Gia đình em không ai gắn bó với ca trù nhưng sinh ra và lớn lên ở mảnh đất có truyền thống ca trù nên loại hình nghệ thuật này ngấm vào em lúc nào không hay. Thấy cháu gái mê hát, bà của Thục Trinh thường dẫn cháu ra Giáo phường ca trù Lỗ Khê nghe hát và xin theo học các nghệ nhân.
"Hiện giờ mỗi tuần cháu học hai buổi ca trù, vào thứ Bảy và Chủ nhật, chưa kể tập ở nhà. Người dạy ca trù cho cháu là Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Mận. Cô Mận luôn dặn dò cháu là muốn học ca trù phải chăm học, chăm làm bài tập ở trường trước, mới có thời gian dành cho ca trù" – Thục Trinh cho hay. Hiện Thục Trinh đã hát được nhiều thể cách. Sự say mê trong từng câu hát, trong từng nhịp phách, tiếng đàn đã gieo vào lòng người xem niềm tin.
Nếu trước đây, ca trù xa lạ với cộng đồng, bị nhiều người trẻ quay lưng hoặc ái ngại tham gia vì nó là nghệ thuật khó, bây giờ ngày càng nhiều người trẻ yêu mến, gắn bó. Bất kỳ Câu lạc bộ ca trù nào cũng có người trẻ tham gia và nhiều người sớm bộc lộ năng khiếu hát ca trù.
Trong một buổi trình diễn, ca nương Phạm Ngọc Bích (7 tuổi) ở Câu lạc bộ ca trù Phú Thị say sưa trong làn điệu Tự tình. Cô bé với giọng hát trong trẻo, tay gõ phách, điềm đạm “nhả” từng câu hát vang, nảy, tròn vành rõ chữ bên cạnh tiếng đàn của người mẹ là đào nương Nguyễn Kim Ngọc. Mẹ bé cho biết, Ngọc Bích sinh ra trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc cổ truyền. Ông ngoại bé là cố Nghệ sĩ Ưu tú cải lương Kim Sinh.
Từ khi còn nhỏ, được nghe mẹ tập hát ca trù hay theo mẹ đi biểu diễn nhiều nơi, có lẽ vì thế mà bé sớm bộc lộ tình yêu với ca trù. Để biểu diễn được bài hát Tự tình - một làn điệu ca trù cổ, Ngọc Bích chỉ mất hơn một tháng luyện tập dưới sự hướng dẫn của mẹ. “Hát ca trù rất khó nhưng con muốn trở thành một ca nương như mẹ. Hằng ngày, sau giờ cơm tối và học bài ở trường xong, con lại được mẹ hướng dẫn từng câu hát. Ngoài ra, những ngày cuối tuần, con theo mẹ đến sinh hoạt ở Câu lạc bộ với các cô, các bác nữa” – Phạm Ngọc Bích chia sẻ.
Trưởng Phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Thị Lan Anh cho biết: Chúng tôi hướng đến mục tiêu xa hơn là tạo thêm động lực cho công tác truyền dạy ca trù cho thế hệ trẻ. Ca trù là thể loại âm nhạc bác học, cho nên phải hiểu rồi mới yêu, mới có thể khiến người ta học đàn, học hát. Nhưng điều khiến chúng tôi rất vui là thế hệ ca nương, kép đàn dưới 15 tuổi của Hà Nội hiện nay rất đông đảo và hứa hẹn đầy tài năng.
Bên cạnh những Câu lạc bộ ca trù hoạt động lâu năm, Hà Nội có nhiều Câu lạc bộ mới như: Ca trù Hoa Hựu, Ca trù Phú Thị hay những địa phương còn nhiều khó khăn như Ca trù Chanh Thôn, Ca trù Ngãi Cầu…. Dù hoàn cảnh khác nhau, các giáo phường, Câu lạc bộ đều quan tâm đến công tác truyền dạy để lưu giữ ca trù cho mai sau.
Nhân lên tình yêu ca trù
Từ một di sản có nguy cơ mai một, cần được bảo vệ khẩn cấp, đến nay ca trù đã phát triển mạnh, đưa Hà Nội trở thành trung tâm của nghệ thuật này trên cả nước. Ðã từng nhiều năm gắn bó với ca trù, Giáo sư Tô Ngọc Thanh chia sẻ, cách đây 20 năm, ít người có thể nghĩ ca trù có được ngày hôm nay. Từ chỗ tìm được nghệ nhân hát ca trù còn khó, bây giờ Hà Nội đã có hàng chục Câu lạc bộ, giáo phường thường xuyên hoạt động; có nhiều nghệ nhân và cũng nhiều người có khả năng truyền dạy cho lớp trẻ.
Đồng tình với quan điểm trên, Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng: Trước đây, để đào tạo được một ca nương, kép đàn phải mất 5 - 7 năm. Đến nay, nhờ sự phát triển của các phương tiện truyền thông, nghe nhìn, người ta cũng dễ dàng tiếp cận hơn bằng cách tự học qua băng đĩa của các nghệ nhân đi trước. Đó cũng là cách để rút ngắn thời gian học. Nhưng để có những người thực sự xuất sắc đòi hỏi cả một quá trình khổ luyện trong nhiều năm. Vì thế, theo Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, cần “ươm mầm” tình yêu ca trù cho thế hệ trẻ một cách bài bản, từ đó tài năng chắc chắn sẽ xuất hiện.
So với nhiều địa phương có di sản ca trù, Hà Nội dành sự quan tâm lớn để gìn giữ, phát huy giá trị di sản ca trù, trong đó coi trọng việc truyền dạy cho thế hệ trẻ. Bên cạnh sự hỗ trợ của thành phố, nhiều địa phương có Câu lạc bộ ca trù còn bố trí địa điểm, trang phục, hỗ trợ kinh phí để truyền dạy lớp trẻ. Mức hỗ trợ kinh phí tuy còn khiêm tốn nhưng cũng là sự động viên nhất định cho việc trao truyền vốn quý đến thế hệ trẻ. Điều quan trọng để lớp trẻ gắn bó lâu dài với ca trù, bên cạnh sự nhiệt huyết của chính các bạn trẻ còn phụ thuộc vào sự động viên rất lớn của chính quyền địa phương, các cá nhân, tổ chức yêu ca trù.
Đinh Thuận
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất