Cuộc chiến hàng công: Từ đôi giày bỏ lại của Drogba và van Persie

29/09/2012 13:46 GMT+7

(TT&VH) - Arsenal chính là đội bóng “ưa thích” nhất của Didier Drogba khi anh còn chơi ở Premier League, với 13 bàn thắng vào lưới Pháo thủ. Cũng chưa ai quên hat-trick của Robin van Persie vào lưới Chelsea, trận thắng 5-3 lượt đi mùa trước. Đi vừa đôi giày họ bỏ lại không phải là một nhiệm vụ đơn giản, đặc biệt là trong trận đấu nảy lửa nhất London lúc này.



Drogba (trái) và van Persie (phải) đều đã ra đi, và Chelsea lẫn Arsenal sẽ phải tìm cách để thích ứng với hệ thống không có họ

Với Drogba, Chelsea là nỗi khiếp sợ của Arsenal. Các hậu vệ của Pháo thủ, vốn thiên về phán đoán hơn là tranh chấp, thường không thể theo kịp sức mạnh và khả năng càn lướt kinh khủng của tiền đạo người Bờ Biển Ngà. Trong một hệ thống được xây dựng vững chắc từ thời kỳ Mourinho, Chelsea tấn công phụ thuộc rất nhiều vào một chân sút cắm dạng Drogba, người có thể tì đè, giữ bóng để chờ các đồng đội băng lên trong các pha phản công, đóng vai trò một trạm trung chuyển bóng hiệu quả, và cũng có thể tự mình dứt điểm nhờ nhạy cảm vị trí và sự quyết đoán. Dù là chơi 4-3-3 hay 4-2-3-1, Chelsea cũng luôn cần Drogba, ở cả hai vai trò, xây dựng lối chơi và ghi bàn.

Vai trò của Robin van Persie trong lối chơi của Arsenal mùa trước là không thật sự nổi bật, nhưng vai trò ghi bàn thì không thể thay thế, thậm chí trong mùa giải phi thưởng ấy, vai trò ghi bàn của anh còn nổi bật hơn Drogba trong bất kỳ mùa nào chơi cho Chelsea. Tiền đạo người Hà Lan không di chuyển với phạm vi hơi bó hẹp và đóng vai trò một người làm tường như Drogba, mà di chuyển tự do và phát hiện cực nhanh các vị trí thuận lợi để ghi bàn, đồng thời tận dụng rất tốt các cơ hội. Khả năng ghi bàn của van Persie mùa trước khủng khiếp đến nỗi ngay cả trong những trận mà hệ thống thi đấu của Arsenal vận hành rất tồi, thì anh vẫn ghi bàn.

Vì thế, thay thế Drogba là một nhiệm vụ nan giải hơn việc Arsenal tìm giải pháp thay thế van Persie, không chỉ vì tiền đạo người Hà Lan mới chỉ thực sự tỏa sáng trong mùa giải trước, mà còn bởi Drogba để lại dấu ấn đậm nét tại Chelsea ở cả hai vai trò, ghi bàn và xây dựng lối chơi.

Khi lối chơi quan trọng hơn cá nhân

Hai cá nhân được kỳ vọng sẽ thay thế Drogba và van Persie mùa này là Fernando Torres (Chelsea) và Olivier Giroud (Arsenal), nhưng thực tế thì mọi chuyện không diễn ra đơn giản như thế và các giải pháp thay thế của hai đội đã dẫn đến những thay đổi của cả một hệ thống thi đấu.

Hệ thống của Chelsea khi có Drogba là một hệ thống không cần quá nhiều sáng tạo, nhưng vững chãi, tạo ra một áp lực lên hàng thủ đối phương cả về thể lực và tâm lý. Hệ thống của Arsenal mùa trước với van Persie không tạo ra áp lực tốt và liên tục lên hàng thủ đối phương, nhưng có thể khiến đối thủ thiếu cảnh giác và các bàn thắng thường đến vào những thời điểm rất bất ngờ.

Với Drogba, Chelsea chỉ cần các tiền vệ cánh chơi hiệu quả khi tấn công mà không đòi hỏi sự sáng tạo của các tiền vệ trung tâm. Arsenal mùa trước thì luôn lấy van Persie làm “hoa tiêu”, và mọi đợt tấn công họ phát động, ngay cả những động thái đánh lạc hướng đối thủ, cũng chỉ nhằm đến mục đích là đưa bóng cho anh.

Sự thay đổi của Chelsea mùa bóng này là đề cao hơn nữa vai trò của các hộ công, không chỉ là các tiền đạo cánh mạnh về tạt bóng hay di chuyển vào trung lộ và dứt điểm, mà là những “số 10” có khả năng sáng tạo thực sự, là Mata và Hazard. Tiền đạo cắm Torres cũng không phải chơi như một cầu thủ làm tường, mà di chuyển tự do hơn để giúp cho các bài phối hợp bóng ngắn của Chelsea khi tấn công trơn tru hơn.

Arsenal thì thay đổi bằng cách trải hướng tấn công ra nhiều phía và chia sẻ trọng trách làm bàn cho nhiều mũi nhọn hơn. Kết quả là sau hai trận đầu tiên đóng vai trò làm quen với hệ thống mới, họ đã ghi 9 bàn trong 3 vòng gần đây ở giải Ngoại hạng, với 5 cầu thủ ghi bàn khác nhau, mà trong đó có cả một trung vệ (Laurent Koscielny).

Sự thiếu ý tưởng bộc lộ trong thời gian gần đây của Hazard có thể khiến hệ thống mới thay đổi của Chelsea mùa này trục trặc, trong khi Arsenal đang làm khá tốt việc cắt nhỏ đôi giày của van Persie và nhét các mảnh vào giày của 11 cầu thủ trên sân, để tạo ra một hệ thống chia sẻ trách nhiệm xây dựng lối chơi và làm bàn tốt hơn.

Đó có thể là điều tạo ra sự khác biệt. Nên nhớ là Chelsea phải thay thế một người đã tạo ra rất nhiều “thói quen” tấn công cho cả đội trong hơn nửa thập kỷ, còn Arsenal chỉ cần thay thế một tiền đạo chỉ thực sự tỏa sáng mùa bóng trước, với một hệ thống đã vận hành tối đa để phục vụ cho riêng anh.

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trận Arsenal - Chelsea sẽ có kết quả như thế nào?


Ban Cầm




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm