05/11/2014 08:05 GMT+7 | Di sản
Cũng cần nói thêm, trong những ngày cuối cùng của tháng 10, giới nghiên cứu di sản, địa chất và hàng ngàn cá nhân quan tâm đã nhất loạt lên tiếng phản đối ý tưởng xây dựng tuyến cáp treo thăm hang Sơn Đoòng của tỉnh Quảng Bình và tập đoàn Sungroup. Vắn tắt, tuyến cáp treo này vừa tiềm ẩn nguy cơ cực lớn về việc phá vỡ và làm sụp đổ những kết cấu trong hang, vừa có khả năng gây ra nạn ô nhiễm môi trường, khi lượng du khách vào đây sẽ lên tới hàng chục ngàn người, thay vì một số rất ít như hiện tại.
1. Trong cuộc họp báo tại UBND tỉnh Quảng Bình chiều qua (4/11) đại diện tỉnh khẳng định rằng các hạng mục sắp xây dựng của dự án cáp treo này hoàn toàn không chạy vào hang Sơn Đoòng như thông tin trước đây. Thay vì vậy, tuyến cáp treo dự kiến xây dựng sẽ có chức năng đưa du khách tham quan, thưởng ngoạn vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Cụ thể, tuyến cáp treo dự kiến sẽ gồm 2 chặng, dài hơn 10.600 mét, với 30 trụ đặt giữa rừng. Tuyến số 1 từ cửa động Phong Nha tới cầu Trạ Ang (dài 6.788 mét) và tuyến số 2 từ cầu Trạ Ang đến cửa sau động Sơn Đoòng (3.872 mét). Nhà ga này cách cửa động 300 mét.
Tuy không xây nhà ga vào hang Sơn Đoòng, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình vẫn bày tỏ quan điểm sẽ có những cách nghiên cứu để khai thác giá trị hang Sơn Đoòng. Bởi, cách khai thác hiện tại sẽ hạn chế rất nhiều khả năng tiếp cận với hang động lớn nhất thế giới của người dân, khi chỉ có quy mô cho phép chừng 240 du khách tới Sơn Đoòng 1 năm (theo từng nhóm 6 người) với mức giá 2.000 - 3.000 USD/người. Ngoài vấn đề tài chính, tour tham quan đặc biệt này cũng có những đòi hỏi quá cao về thời gian và sức khỏe khi du khách phải mất tổng cộng gần 1 tuần để lội bộ vào hang và quay ra.
2. Câu hỏi đặt ra: dù không trực tiếp đưa du khách vào hang, tuyến cáp treo trong tương lai liệu có tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực tới tính nguyên trạng của hang Sơn Đoòng? Bởi hiện tại, để tới được vị trí cửa hang này, du khách đã phải đi bộ chừng nửa ngày trong rừng nguyên sinh.
"Việc nằm sâu trong rừng cũng là một ưu điểm của Sơn Đoòng vì vẻ hoang sơ của nó. Những người thật sự có nhu cầu và điều kiện thăm Sơn Đoòng thường là du khách quốc tế, hoặc một số chuyên gia đặc biệt về địa chất" - một chuyên gia về du lịch cho biết. "Đối với họ, việc rút ngắn quãng đường nửa ngày tới cửa hang chẳng mang giá trị gì nhiều, bởi thời gian đi bộ trong rừng nguyên sinh chính là quãng thời gian thưởng ngoạn thiên nhiên, chứ không phải hành xác. Ngược lại, tôi chưa hiểu cáp treo được xây để làm gì, nếu không phải với mục đích tiếp tục đưa khách phổ thông vào Sơn Đoòng? Chẳng lẽ người ta chỉ tới cửa hang chụp ảnh, ngó nghiêng rồi lại quay về?".
Theo phân tích của chuyên gia này, bản thân việc cáp treo "lôi" hàng chục ngàn người tới miệng hang Sơn Đoòng đã đủ để phá vỡ không gian và cảnh quan ở sát cạnh hang.
Năm 2009, sau chuyến thực địa của mình, một nhóm thám hiểm của Hiệp hội hang động hoàng gia Anh đã chính thức xác nhận Sơn Đoòng là hang động lớn thế giới. Kể từ đó tới nay, lượng khách quốc tế đổ tới Sơn Đoòng khá đông và thường phải đặt tour trước một thời gian dài. Từng giành giải Nhất trong cuộc thi Đánh thức không gian của Hội đồng Anh tại Việt Nam năm 2009, KTS Lại Thành Tín cho rằng cách khai thác dành cho số ít như Sơn Đoòng là điều hoàn toàn hợp lý .
"Tùy điều kiện đặc thù, có những tài nguyên thiên nhiên dành cho số đông và cũng có những tài nguyên chỉ dành cho số ít. Tính nguyên trạng của Sơn Đoòng, cộng cùng việc khai thác hạn chế, là lý do để hang động này hấp dẫn khách quốc tế như vậy" - KTS Tín nói. "Tôi không thể tán thành cách tư duy ngắn hạn, khai thác bừa bãi và đại trà hóa để từ đó Sơn Đoòng bị xâm phạm và mất đi sự nguyên sơ vốn là giá trị cao nhất của mình".
Kỳ quan tầm thế giới |
Hoàng Nguyên - Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất