06/12/2017 00:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Theo quy định của UNESCO, với chu kỳ 2 năm/lần, mỗi quốc gia chỉ được đề cử một hồ sơ duy nhất cho danh hiệu Di sản Văn hóa Phi vật thể của Nhân loại.
Do vậy, việc 2 hồ sơ Hát Xoan Phú Thọ và Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ của Việt Nam đang được UNESCO xem xét để đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể của Nhân loại có thể gây thắc mắc với một số người.
Tuy nhiên, trên thực tế, 2 hồ sơ này là 2 trường hợp hoàn toàn khác nhau. Cụ thể, đây là lần đầu tiên Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ được đệ trình lên UNESCO để xin danh hiệu Di sản Văn hóa Phi vật thể của Nhân loại. Trong khi đó, vào năm 2011, Hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Để hiểu sự khác biệt giữa 2 danh hiệu này, chúng ta cần nhắc lại lịch sử hình thành danh hiệu Di sản Văn hóa Phi vật thể của UNESCO. Năm 2001, UNESCO đã lần đầu tiên lập ra danh hiệu này (và trao cho 19 hồ sơ của các quốc gia) với tên gọi Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.
Tuy nhiên, tại Hội nghị lần thứ 3 ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào cuối năm 2008, Ủy ban liên chính phủ về bảo tồn Di sản phi vật thể của UNESCO đã quyết định xếp các di sản được xét tặng vào 2 danh sách khác nhau: Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Tùy theo đặc thù riêng, các hồ sơ đã được công nhận kể từ 2008 trở về trước lại được UNESCO xếp vào 1 trong 2 danh sách này. Tại Việt Nam, 2 hồ sơ từng nhận danh hiệu Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại là Nhã nhạc cung đình Huế (năm 2003) và Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên (năm 2005) đều được UNESCO "chuyển" thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2008.
Về bản chất, cả 2 danh hiệu mà UNESCO đưa ra đều gắn với những Di sản Phi vật thể có giá trị cao, là tinh hoa của từng quốc gia và cộng đồng. Tuy nhiên, đúng như tên gọi, mỗi danh hiệu có những đặc trưng riêng – trong đó yếu tố "cần được bảo vệ khẩn cấp" gắn với những di sản đang đứng trước nguy cơ biến mất.
Đặc biệt, hai danh hiệu này có thể "đổi chỗ" cho nhau. Theo đó, khi một di sản được bảo tồn tốt và hết nguy cơ "biến mất" thì có thể được chuyển sang danh sách "đại diện của nhân loại". Ngược lại, trong trường hợp được bảo vệ không tốt, di sản "đại diện của nhân loại" sẽ bị chuyển sang trường hợp "có nguy cơ biến mất". Đây là biện pháp chuyên môn để đảm bảo các quốc gia luôn có sự quan tâm đầy đủ với các di sản được vinh danh, thay vì "bỏ rơi" sau khi nhận danh hiệu.
Tại Việt Nam, sau khi nhận danh hiệu Di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp vào năm 2011, tỉnh Phú Thọ và Ủy ban UNESCO Việt Nam đã tổ chức một chương trình hành động dài hơi nhằm "tiếp sức" cho di sản này. Cụ thể, đó là các dự án nghiên cứu, sưu tầm và số hóa những làn điệu hát xoan cổ, đào tạo lớp nghệ nhân kế cận, khôi phục các không gian tín ngưỡng cổ có liên quan tới hát xoan. Sau khi đạt được những kết quả tích cực, hồ sơ xin "chuyển" hát xoan từ danh sách "cần bảo vệ khẩn cấp" sang danh sách "đại diện của nhân loại" đã được trình lên UNESCO.
Trong khi đó, do UNESCO vẫn cho phép lập hồ sơ xin danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nên hồ sơ Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ cũng được chúng ta xây dựng và đệ trình cùng đợt.
Do vậy, vào ngày 7/12 tới, chúng ta đang đứng trước khả năng cùng một lúc được UNESCO công nhận 2 danh hiệu hiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Và nếu thành công, Hát Xoan Phú Thọ sẽ là trường hợp di sản đầu tiên của Việt Nam được "chuyển danh sách" sang hạng mục này. Hiện tại, ngoài Hát Xoan Phú Thọ, một di sản khác của Việt Nam là Ca trù cũng từng được UNESCO xếp vào danh sách "cần bảo vệ khẩn cấp" vào năm 2009.
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất