05/04/2022 18:51 GMT+7 | Tin tức 24h
(lienminhbng.org) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Xem thêm các thông tin về dịch bệnh Covid-19 TẠI ĐÂY
Tiếp tục cập nhật
Dịch COVID-19: Cả nước có 303.455 F0 khỏi bệnh, chỉ còn hơn 2.000 ca nặng đang được tích cực điều trị
Bộ Y tế cho biết, ngày 5/4, cả nước có 303.455 F0 khỏi bệnh; 39 ca tử vong. Hiện nay, số ca mắc mới COVID-19 chủ yếu do biến thể BA.2 của biến chủng Omicron làm lây lan nhanh hơn, tuy nhiên ít tăng nặng hơn. Bên cạnh đó, do tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt, các đối tượng nguy cơ cao được chăm sóc tốt hơn nên tỷ lệ tử vong/mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu.
Tính từ 16 giờ ngày 4/4 đến 16 giờ ngày 5/4, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 54.995 ca mắc mới trong nước (tăng 6.280 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 38.040 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (5.199 ca), Nghệ An (2.925 ca), Phú Thọ (2.827 ca), Bắc Giang (2.357 ca), Yên Bái (2.280 ca), Hà Giang (2.024 ca), Bắc Kạn (1.990 ca), Quảng Ninh (1.972 ca), Đắk Lắk (1.901 ca), Vĩnh Phúc (1.824 ca), Lào Cai (1.766 ca), Quảng Ngãi (1.504 ca), Hưng Yên (1.398 ca), Tuyên Quang (1.249 ca), Hải Dương (1.248 ca), Cao Bằng (1.233 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (1.158 ca), Thái Bình (1.152 ca), Quảng Bình (1.113 ca), Thái Nguyên (963 ca), Tây Ninh (940 ca), Lâm Đồng (930 ca), Sơn La (925 ca), Lạng Sơn (876 ca), Hòa Bình (832 ca), Vĩnh Long (764 ca), Bắc Ninh (731 ca), Cà Mau (726 ca), Quảng Trị (665 ca), Lai Châu (662 ca), Hà Tĩnh (633 ca), Hà Nam (596 ca), Bình Định (589 ca), Đà Nẵng (586 ca), Điện Biên (552 ca), Đắk Nông (516 ca), Bình Dương (514 ca), Ninh Bình (496 ca), Nam Định (467 ca), Bình Phước (451 ca), Phú Yên (393 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (347 ca), Hải Phòng (332 ca), Thanh Hóa (322 ca), Thừa Thiên Huế (317 ca), Trà Vinh (280 ca), Khánh Hòa (273 ca), Quảng Nam (269 ca), Bình Thuận (232 ca), Bến Tre (145 ca), An Giang (94 ca), Bạc Liêu (94 ca), Đồng Tháp (77 ca), Long An (70 ca), Kon Tum (51 ca), Kiên Giang (44 ca), Cần Thơ (43 ca), Đồng Nai (38 ca), Ninh Thuận (17 ca), Hậu Giang (13 ca), Tiền Giang (10 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (2.024 ca), Hà Nội (669 ca), Bắc Giang (292 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Giang (1.238 ca), Bắc Kạn (962 ca), Quảng Ngãi (877 ca).
Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 65.600 ca/ngày.
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 9.922.040 ca mắc, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 100.350 ca mắc).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca mắc ghi nhận trong nước là 9.914.301 ca, trong đó có 8.144.473 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.507.310 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (598.098 ca), Nghệ An (405.832 ca), Bình Dương (379.578 ca), Hải Dương (349.303 ca).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 303.455 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 8.147.290 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.055 ca.
Số bệnh nhân tử vong trong ngày là 39 ca, tại Đắk Lắk 5 ca, Bến Tre 4 ca, các địa phương khác từ 1-3 ca.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 38 ca/ngày.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.681 ca, chiếm 0,4% trong tổng số ca mắc.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Trong ngày 4/4 có 469.316 liều vacicne phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 207.023.415 liều, trong đó: 189.829.384 liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, gồm: Mũi 1 là 71.249.659 liều; Mũi 2 là 68.081.142 liều; Mũi 3 là 1.505.474 liều; Mũi bổ sung là 14.957.246 liều; Mũi nhắc lại là 34.035.863 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.194.031 liều: Mũi 1 là 8.810.098 liều; Mũi 2 là 8.383.933 liều.
Thành phố Hồ Chí Minh: Hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trước tháng 9/2022
Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch khẩn về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo đó, Thành phố sẽ hoàn thành kế hoạch tiêm này trước tháng 9/2022. Dự kiến, gần 900.000 trẻ trên địa bàn sẽ được tiêm phòng; trong đó có hơn 885.000 trẻ đi học, hơn 12.000 trẻ đang nuôi dưỡng ở cơ sở bảo trợ xã hội và trẻ chưa đi học.
Trẻ đi học sẽ được tiêm tại trường học hoặc tại điểm tiêm được cơ sở giáo dục, y tế địa phương phối hợp quyết định, đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng, chống dịch bệnh. Trẻ không đi học sẽ được tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động trên địa bàn do Uỷ ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện quyết định. Trẻ đang điều trị nội trú tại các bệnh viện, sẽ được tổ chức tiêm ngay tại bệnh viện (kể cả trẻ có địa chỉ cư trú tại tỉnh, thành khác).
Uỷ ban nhân dân Thành phố yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách và nhập liệu đầy đủ danh sách trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đang đi học trên địa bàn trước khi tổ chức tiêm lên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Uỷ ban nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận, huyện rà soát, lập danh sách nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi không đi học, trẻ đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội thuộc ngành quản lý; nhập liệu danh sách lên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19.
Ngoài ra, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị các địa phương phối hợp với ngành y tế sẵn sàng các phương án xử trí, cấp cứu khi có sự cố bất lợi sau tiêm. Các điểm tiêm thực hiện giám sát sự cố bất lợi sau tiêm để chủ động phát hiện và xử trí kịp thời, đặc biệt là tai biến nặng; theo dõi trẻ tại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm và hướng dẫn phụ huynh, người giám hộ tiếp tục theo dõi 28 ngày, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu sau tiêm; cung cấp số điện thoại của trung tâm y tế hoặc trạm y tế để phụ huynh, người giám hộ liên hệ khi cần.
Đà Nẵng: Du khách mắc COVID-19 sẽ khai báo, đăng ký, nhận kết quả trực tuyến
Sáng 5/4, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng cho biết vừa ban hành Công văn hướng dẫn người dân, du khách mắc COVID-19 khai báo, đăng ký, nhận các kết quả trực tuyến trong khi cách ly, điều trị tại nhà hay tại cơ sở du lịch.
Theo đó, Sở đã bổ sung một số tính năng mới trên ứng dụng quản lý, hỗ trợ F1, F0 cách ly/điều trị tại nhà/cơ sở du lịch. Trong đó, người dân, du khách mắc COVID-19 khai báo thông tin, đăng ký nhận các giấy tờ liên quan trực tuyến trên ứng dụng di động DANANG Smart City sẽ thực hiện các bước gồm: Khai báo là F0 và đề nghị cách ly tại nhà/cơ sở du lịch; nhận quyết định cách ly của cơ quan chức năng gửi trực tuyến (trên ứng dụng, qua tin nhắn SMS, Zalo); khai báo thông tin tình hình sức khỏe hàng ngày; trạm y tế và Hội thầy thuốc trẻ thành phố sẽ nhận tin và chủ động liên hệ hướng dẫn, tư vấn khi cần.
Trường hợp F0 thấy cần thiết, có thể gọi Tổng đài 0236 393 1022 để nghị gặp bác sĩ tư vấn; khai báo thông tin và đề nghị nhận Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội (được cơ quan chức năng gửi trực tuyến). Sau đó, người mắc COVID-19 phải thông báo đã âm tính và đề nghị hoàn thành cách ly tại nhà/cơ sở du lịch; nhận Giấy xác nhận/Quyết định hoàn thành cách ly, điều trị trực tuyến.
Theo ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng, các giấy tờ trên có gắn mã QR duy nhất (toàn quốc) cho mỗi người dân và sẽ được kế thừa, thay thế kết quả “giấy” trong cung cấp và sử dụng dịch vụ chính quyền số, đô thị thông minh trong thời gian tới. Người mắc COVID-19 có thể quét mã QR này để tra cứu các thông tin, giấy tờ liên quan đến việc cách ly điều trị COVID-19 tại nhà/cơ sở doanh nghiệp.
Cả nước chỉ còn gần 2.000 ca COVID-19 nặng; Điều kiện gì để được cấp hộ chiếu vaccine?
Theo Bộ Y tế, số ca mắc COVID-19, số bệnh nhân nặng và ca tử vong đều giảm mạnh trong thời gian gần đây. Cả nước chỉ còn gần 2.000 ca COVID-19 nặng. Để được cấp hộ chiếu vaccine cần có những điều kiện gì?
Hơn 7,83 triệu người mắc COVID-19 ở Việt Nam đã khỏi bệnh
Thông tin từ Bộ Y tế ngày 4/4 cho biết trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 48.717 ca mắc COVID-19 mới, giảm 2.015 ca so với ngày trước đó tại 62 tỉnh, thành phố (trong đó có 34.690 ca trong cộng đồng). Đây là số ca mắc mới thấp nhất trong hơn 40 ngày qua, tính từ ngày 21/2/2022 đến nay.
Số tỉnh, thành phố có ca mắc COVID-19 trên 1.000 ca/ ngày chỉ còn 12 địa phương, bằng khoảng 1/3-1/4 số các tỉnh, thành có ca mắc cao so với 1 tháng qua.
Trung bình số ca mắc COVID-19 mới trong nước ghi nhận 7 ngày qua là 70.368 ca/ngày, giảm gần một nửa so với giai đoạn cao điểm.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 9.867.045 ca mắc COVID-19, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 99.796 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 9.859.306 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.502.111), TP. Hồ Chí Minh (596.940), Nghệ An (402.907), Bình Dương (379.064), Hải Dương (348.055).
Liên tiếp trong những ngày gần đây số bệnh nhân COVID-19 khỏi nhiều hơn số ca mắc mới nâng tổng số người mắc COVID-19 tại Việt Nam được điều trị khỏi đến nay là 7.843.835 ca.
Số bệnh nhân COVID-19 nặng và trường hợp tử vong giảm mạnh
Hiện số bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị là 1.942 ca. Đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Số mắc mới có xu hướng giảm tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tuần qua, số trường hợp tử vong giảm mạnh chỉ còn trên dưới 40 ca mỗi ngày.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.642 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Điều kiện gì để được cấp hộ chiếu vaccine?
Theo Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, đến nay, việc chuẩn bị cấp hộ chiếu vaccine cơ bản đã hoàn thành. Người dân đã tiêm chủng, khai báo chính xác thông tin và được các cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống, xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sẽ được cấp hộ chiếu vaccine và không phải thực hiện thủ tục gì thêm.
Để được cấp hộ chiếu vaccine COVID-19, người dân cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Người dân đã tiêm vaccine và được cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống, kiểm tra thông tin trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử. Thông tin phải chính xác, được xác thực đúng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- Những trường hợp sai hoặc thiếu thông tin tiêm chủng sẽ không được cấp hộ chiếu vaccine. Trong trường hợp này, người này cần liên hệ với cơ sở tiêm chủng để bổ sung, cập nhật qua trực tiếp hoặc phản ánh lên Cổng thông tin tiêm chủng (tiemchungcovid19.gov.vn).
- Người dân cần khai báo chính xác thông tin khi đi tiêm vaccine phòng COVID-19.
Hộ chiếu vaccine sẽ được hiện thị trên ứng dụng Số Sức khỏe điện tử, PC-COVID hoặc khi người dân tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
Để tra cứu, người dân cần khai báo các thông tin gồm họ tên, ngày sinh, giới tính, số căn cước công dân hoặc mã định danh cá nhân, ngày tiêm mũi gần nhất, email. Tại đây, những người dân không sử dụng điện thoại di động thông minh có thể đăng ký nhận thông tin qua email và in thành bản cứng để sử dụng.
Cập nhật hướng dẫn mới nhất về chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0
Theo hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0 (phiên bản 2.0) thay thế phiên bản trước đó, Sở Y tế TP HCM có điều chỉnh đối tượng và rút ngắn thời gian cách ly tại nhà, điều chỉnh thuốc điều trị COVID-19 tại nhà và quy trình tiếp nhận F0, xác nhận hoàn thành cách ly.
Theo đó, đối tượng cách ly tại nhà là người mắc COVID-19, bao gồm cả trẻ em, có khả năng tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe hoặc có người hỗ trợ chăm sóc.
Nếu F0 đã hội đủ các tiêu chí trên nhưng hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người chưa tiêm đủ liều vaccine COVID-19), khuyến khích F0 cách ly nơi khác để giảm nguy cơ lây lan cho các thành viên khác.
Về quy trình trạm y tế tiếp nhận F0 hiện nay, tại TP HCM tiếp nhận từ nhiều nguồn khác nhau. Đối với F0 hoặc người chăm sóc F0 khai báo trực tiếp với trạm y tế qua điện thoại hoặc đến trạm y tế, trạm phải hướng dẫn F0 khai báo tại địa chỉ http://khaibaof0.tphcm.gov.vn.
Trong trường hợp F0 hoặc người chăm sóc F0 không thể khai báo trực tuyến, trạm y tế ghi nhận và nhập thông tin F0 lên "Nền tảng số quản lý COVID-19 TP HCM" để quản lý.
Về quy trình xác nhận hoàn thành cách ly theo hướng dẫn mới nhất cũng có nhiều điểm khác so với trước đây. Cụ thể, trạm y tế cấp xã khi nhận được tin nhắn tổng đài "1022" thông báo kết quả xét nghiệm ngày thứ 7 của F0.
Nếu kết quả xét nghiệm ngày thứ 7 âm tính, trạm y tế xác nhận F0 khỏi bệnh và hoàn tất thủ tục cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly tại nhà.
Nếu kết quả xét nghiệm ngày thứ 7 dương tính, trạm y tế hướng dẫn F0 tiếp tục cách ly tại nhà đủ 10 ngày (đối với F0 tiêm đủ liều vaccine) hoặc ngày 14 (đối với F0 chưa tiêm đủ liều vaccine). Đồng thời xét nghiệm vào ngày thứ 10 hoặc 14 và khai báo kết quả xét nghiệm.
Theo hướng dẫn này, trường hợp đến ngày thứ 10 hoặc 14, F0 vẫn chưa khai báo kết quả xét nghiệm, trạm y tế liên hệ F0 để ghi nhận kết quả xét nghiệm hoặc thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh cho người bệnh. Nếu không liên hệ được F0 thì trạm y tế sẽ ghi tình trạng "mất theo dõi" và đóng hồ sơ.
Hướng dẫn mới nhất nêu rõ, thời gian nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội của F0 phải cùng thời gian cách ly y tế tại nhà
Riêng F0 do cơ sở điều trị COVID-19 chuyển về nhà để tiếp tục chăm sóc thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ căn cứ số ngày nghỉ tại phần ghi chú của giấy ra viện để làm căn cứ thanh toán bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 2, điều 21, thông tư số 56 của Bộ Y tế.
PV/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất