17/10/2015 19:04 GMT+7
(lienminhbng.org) - Với nhiều fan Everton, việc Wayne Rooney chuyển đến Man United là một ký ức đáng quên. Nhưng thật ra, thời gian có thể là phương thuốc kỳ diệu để xóa đi những nỗi đau.
Theo thời gian, khi sự hận thù dần lắng xuống, những lời chỉ trích cay độc và gay gắt đối với Rooney vì anh bỏ Everton sang Man United cũng dần trôi vào quên lãng. Những tiếng vỗ tay dành cho anh ở trận đấu tri ân Duncan Ferguson hồi đầu tháng Tám có thể là một minh chứng.
Ký ức buồn của người Everton
Một trong những ký ức tồi tệ nhất của Rooney là khoảng thời gian ngắn trước khi chuyển sang Man United, khi những khán đài Goodison Park vang lên câu hát “Chỉ có một tên khốn tham lam”. Sau khi thực hiện cuộc phỏng vấn với Paul Stretford, người đại diện của Rooney, mối quan hệ giữa The Sun và Merseyside sụp đổ. Những kẻ quá khích còn vẽ grafiti lên tường nhà Rooney để chế nhạo anh. Đó là căn nhà Everton đã mua cho Rooney và gia đình, ở gần sân tập của đội - một phần trong thỏa thuận khi anh ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên.
Rooney vẫn nhớ như in cái đêm anh đang xem TV có chương trình tương tác với khán giả và đọc được những tin nhắn rằng anh chưa bao giờ là một “True Blue”, rằng anh là một Judas. Rooney đã vớ lấy điện thoại và nhắn: “Tôi ra đi vì CLB muốn thế - Wayne Rooney”. Vài phút sau, phát thanh viên của Sky thông báo “Đề nghị khán giả nào ở nhà đừng đóng giả Rooney để nhắn tin nữa”.
Giờ, họ đã làm hòa với nhau. David Moyes luôn cảm thấy rằng một ngày nào đó Rooney sẽ trở lại Everton. Chủ tịch Bill Kenwright cũng nói tương tự và bất cứ những ai từng xem bộ phim tài liệu The Man Behind The Goals đều có chung cảm nhận rằng chưa bao giờ thấy anh thoải mái và tự nhiên như thế khi trở về sân đấu một thời.
Rooney ở Manchester đã lâu, nhưng anh vẫn nghĩ về Merseyside. Việc cả hai cậu con trai Kai và Klay đều được sinh ra ở Liverpool, chứ không phải Manchester, đã minh chứng cho tình cảm đặc biệt ấy. Và ngay cả những CĐV Everton cứng rắn nhất cũng phải thừa nhận rằng ngôi sao của mình có lý do chính đáng khi muốn gia nhập một CLB lớn hơn, giàu tham vọng hơn.
Kết thúc sự nghiệp ở Goodison Park?
Liệu có một ngày nào đó anh sẽ lại mặc màu áo xanh? Nếu điều đó xảy ra, nó cũng không phải một cú sốc, dù Rooney có quá nhiều lý do để tiếp tục ở lại Man United. Thứ nhất, anh không muốn một bước lùi, cả về sự nghiệp lẫn tiền lương. Thứ hai, anh còn muốn giành một danh hiệu trên cương vị đội trưởng cùng Man United. Thứ ba, anh còn phải vượt qua kỷ lục ghi bàn của Sir Bobby Charlton.
Thứ Sáu tuần trước, anh đã được nhận đôi giày vàng sau khi vượt qua Sir Bobby Charlton về số bàn thắng cho đội tuyển Anh (50 bàn). Bây giờ sẽ là kỷ lục ở CLB. Rooney đang đứng thứ ba trong danh sách làm bàn của Man United với 235 bàn thắng, chỉ kém Dennis Law 2 bàn và kỷ lục của Bobby Charlton 14 bàn. Quá trình ấy có thể sẽ lâu hơn Rooney dự kiến bởi phong độ sa sút hiện nay: ghi 1 bàn sau 12 trận gần nhất tại Premier League.
Hat-trick vào lưới Club Brugge ở Champions League là đáng ghi nhận, song nên nhớ đó là một đối thủ yếu (xếp thứ 6 ở giải vô địch Bỉ). Còn tại Premier League, Rooney mới ghi đúng 1 bàn thắng sân khách trong suốt… 18 tháng. Chính tờ Manchester Evening News còn đề nghị Van Gaal đừng dùng anh trong chuyến viếng thăm Goodison Park cuối tuần này,
Chúng ta đều có cảm giác Rooney đã già lắm dù ngày 24/10 tới, anh mới kỷ niệm sinh nhật thứ 30. Lý do: Rooney thi đấu đỉnh cao từ quá sớm. Ở tuổi 30, anh đã đá 14 mùa giải trọn vẹn trong cấp CLB, nhiều hơn Ryan Giggs 2 mùa, mà phần lớn là với phong cách đốt năng lượng nhiều hơn.
Bây giờ, Rooney khó có thể gây khó khăn cho các hàng phòng ngự như anh từng làm khi xưa. Cho tới thời điểm này, Van Gaal vẫn bênh vực thủ quân của mình, nhưng không ai biết sự nuông chiều ấy còn kéo dài đến bao giờ. Hãy nhìn tấm gương Robin Van Persie. Sự suy giảm tiếp theo sẽ là vấn đề lớn. Nếu Rooney phải ra đi, việc chọn Goodison Park làm nơi kết thúc sự nghiệp không phải một ý tưởng tồi. Everton thực ra khá có duyên thu nạp những cầu thủ Man United, từ những cầu thủ đang ở độ chín (Louis Saha, Phil Neville) cho đến những tài năng không bao giờ lớn (Darron Gibson, Tom Cleverley).
“Once a Blue, always a Blue”, anh từng phô dòng chữ ấy sau một pha ăn mừng trong màu áo Everton. Cũng vì thế, anh đã bị các fan The Toffees ghét cay ghét đắng khi ra đi. Nhưng thời gian đã chữa lành những nỗi đau, và đừng ngạc nhiên nếu một ngày nào đó, Goodison Park dang tay chào đón đứa con xa nhà ấy trở lại.
8 năm không ghi bàn ở Goodison Park Sự thù ghét với Rooney của các CĐV Everton đã giảm bớt nhiều, một phần vì anh cũng chẳng mấy nguy hại trong những lần trở về Goodison Park. Kể từ cái ngày 28/04/2007, khi Rooney ghi bàn quyết định màn lội ngược dòng 4-2 và hôn logo Man United, anh không được ăn mừng như thế nữa khi trở lại sân đấu cũ. |
Tuấn Cương
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất