17/09/2021 08:52 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Đến ngày 17/9, cả nước ghi nhận 656.129 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ; ở tỷ lệ ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.669 ca nhiễm).
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), Việt Nam ghi nhận trung bình 8.000 – 10.000 ca nhiễm mỗi ngày, cá biệt có ngày lên tới trên 14.000 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là trên 16.000 ca, chiếm 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1% ca).
Bộ Y tế đánh giá, tình hình dịch COVID-19 hiện vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài tại nhiều địa phương. Đặc biệt với biến chủng Delta, đang là biến chủng chính có thời gian ủ bệnh ngắn, khả năng phát tán mầm bệnh cao, lây lan nhanh chóng (nồng độ vi rút trong dịch hầu họng gấp khoảng 1.000 lần so với các chủng SARS-CoV-2 trước).
Trước những diễn biến phức tạp của dịch, các chuyên gia, nhà khoa học nhận định dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài, với khả năng năng liên tục xuất hiện các biến thể mới của SARS-CoV-2 nên cần có sự điều chỉnh về giải pháp, chiến lược phòng, chống dịch trong tình hình mới; đồng thời đề xuất giải pháp tiến tới chung sống an toàn với SARS-CoV-2.
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến với 1.060 xã, phường, thị trấn, 209 quận, huyện, thị xã của 20 tỉnh, thành phố, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng khẳng định quan điểm “phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp…”.
Công cụ kiểm soát dịch tốt nhất là vaccine
Chia sẻ quan điểm về trạng thái “bình thường mới” trong dịch COVID-19 đang được đề cập nhiều trong thời gian gần đây, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, để đạt được trạng thái “bình thường mới”, trước hết chúng ta cần xác định rõ ràng đích để hướng tới. Ông cho rằng: “Nếu như trước đây, chúng ta quyết tâm bóc tách hoàn toàn F0 ra khỏi cộng đồng, thì nay đích đó không còn khả thi và hợp lý”.
Lý giải về quan điểm này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung nêu rõ, COVID-19 do corona virus mới có đặc tính biến chủng rất nhanh, chu kỳ lây càng ngày càng ngắn, tương tự như virus cúm vì vậy SARS-CoV-2 sẽ còn tồn tại lâu dài.
Cho đến nay cũng chưa có quốc gia nào thành công trong việc loại trừ COVID-19 ra khỏi cộng đồng. Công cụ để kiểm soát dịch tốt nhất đó là vaccine.
Theo ông Nhung, mặc dù chỉ trong một thời gian ngắn đã có rất nhiều loại vaccine COVID-19 được phát triển và có hiệu quả, nhưng sẽ phải tiêm nhắc lại và cập nhật hàng năm vì “Vaccine COVID-19 không ngăn chặn được nhiễm bệnh, mà chỉ làm nhẹ đi biểu hiện lâm sàng và giảm đáng kể tử vong do bệnh. Điều này cũng tương tự như vi khuẩn lao, vaccine lao (BCG) cũng chỉ làm giảm tỷ lệ mắc lao nặng ở trẻ em mà thôi”.
Vì vậy, ông Nhung khẳng định, để loại trừ hoàn toàn COVID-19 như bại liệt, đậu mùa thì về mặt lý thuyết cho đến nay là chưa có tính khả thi. “Các bài học của chúng ta ở 4 đợt dịch cho thấy việc loại trừ COVID-19 ra khỏi cộng đồng chỉ có thể là tạm thời, không thể bền vững được”.
Giảm thiểu tử vong và dập từng ổ dịch
Chuyên gia Nguyễn Viết Nhung đánh giá, có tới 84% người bệnh COVID-19 không có triệu chứng hoặc là triệu chứng nhẹ. Có nghĩa là những người này chỉ bị chỉ viêm đường hô hấp trên mà không bị virus tấn công vào phổi. Chỉ có 16 % người bệnh bị virus tấn công vào phổi, trong đó chỉ có 5 % là nặng và nguy kịch, còn lại 11 % là trung bình. Các ca tử vong chủ yếu ở nhóm tuổi cao và bệnh nền, tuổi càng cao (từ 60 trở lên) và càng nhiều bệnh nền thì nguy cơ chuyển nặng và tử vong càng cao.
Tuy nhiên, theo ông Nhung, những số liệu đó lại rất khác nhau ở các tỉnh, thành phố trong cả nước khi thảm họa xảy ra. “Qua quan sát cho thấy tỷ lệ nhập viện và tử vong rất khác nhau ở các tỉnh khác nhau. Ví dụ Thành phố Hồ Chí Minh con số này là gần 4%, Tiền Giang 2,5 %, trong khi Bình dương, Đồng Nai đều dưới 1%”.
Như vậy, tỷ lệ tử vong phụ thuộc vào 4 yếu tố sau: Tổng số ca mắc và tốc độ tăng số ca nhiễm, khả năng đáp ứng của hệ thống y tế điều trị chuẩn theo mức độ từ nhẹ đến nặng, từ chăm sóc điều trị sớm đến ICU; Trung tâm điều phối, phân loại (đa số đang khá yếu); Năng lực các can thiệp dự phòng (năng lực xét nghiệm, xác định ổ dịch và khoanh vùng chính xác và các biện pháp cách ly phù hợp).
Ông Nhung lấy ví dụ về nước Ý là nước chịu thiệt hại nhiều nhất bởi dịch COVID-19 trong năm 2020, nhưng bước sang năm 2021, Ý đã kiểm soát khá tốt dịch. Nghiên cứu đánh giá mô hình điều trị ở Ý cho thấy rõ hiệu quả của việc điều trị tại nhà là chính.
“Tất cả các bằng chứng trên cho thấy để xây dựng lộ trình “bình thường mới” trong dịch COVID-19 chúng ta chỉ có thể chung sống an toàn, giảm thiểu thấp nhất tử vong và dập từng ổ dịch COVID-19”, chuyên gia Nguyễn Viết Nhung khẳng định.
Chỉ xét nghiệm diện rộng khi mất kiểm soát
Theo đó, ông Nhung đề xuất các tiêu chí để xây dựng lộ trình “bình thường mới” bao gồm: Tỷ lệ người dân thực hiện 5k; Tỷ lệ nhập viện và tử vong do Covid 19; Tỷ lệ bao phủ vaccine (trong đó có tỷ lệ ưu tiên hàng đầu nhóm dễ tổn thương gồm người mắcbệnh nền, trên 60 tuổi, tỷ lệ bao phủ vaccine lứa tuổi 18-59 và tỷ lệ bao phủ vaccine ở trẻ em).
Bên cạnh đó còn có số liệu về số ổ dịch mới bùng phát, số mắc mới trên 100.000 dân, cùng với một số chỉ tiêu đánh giá năng lực như số giường ICU, số địa phương có đủ năng lực bao gồm năng lực xét nghiệm, xác định ổ dịch, truy vết, năng lực điều trị từng cấp độ và khả năng điều phối…
Đặc biệt, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung cho rằng, cần nghiên cứu đánh giá tình hình dịch cả về đặc điểm bệnh lý và các biến chủng (giải trình tự); thực hiện xét nghiệm trọng điểm, khoanh vùng hẹp, cách ly tại cộng đồng (hạn chế tối đa tập trung). Trong đó, thực hiện giám sát trọng điểm, thường xuyên định kỳ, xử dụng test nhanh kháng nguyên, xã hội hóa đến người dân.
“Chỉ thực hiện xét nghiệm diện rộng khi mất kiểm soát, vì mục tiêu của xét nghiệm diện rộng là xác định ổ dịch, sau đó phải khoanh vùng ổ dịch ngay và các can thiệp tích cực thực chất”, ông Nhung nhấn mạnh.
Tăng cường hệ thống giám sát dịch tại cơ sở
Chuyên gia Nguyễn Viết Nhung cho rằng: Cần xác định cách ly tại cộng đồng là can thiệp chủ đạo, điều này đồng nghĩa với việc phải có hệ thống y tế cơ sở mạnh.
Theo đó, hệ thống y tế cơ sở phải làm được tầng 1 và tầng 2 của tháp điều trị (thể nhẹ và trung bình), trong đó giao quyền cho người dân trong xét nghiệm sàng lọc (tiếp cận kit test) và điều trị thể nhẹ tại nhà (nếu đủ điều kiện); Kết nối chặt chẽ người dân và cơ sở y tế.
Cấp huyện là đơn vị y tế chống dịch cấp 1 hoàn chỉnh; Y tế tuyến tỉnh đáp ứng cấp 2 hoàn chỉnh (tổ chức điều phối, điều trị ca trung bình nặng, nặng và nguy kịch); Trung ương là cấp 3 về điều trị và hỗ trợ tăng cường khi cần.
Đặc biệt, các can thiệp hành chính dập tắt ổ dịch phải thật trúng và đúng, dựa trên các cơ sở khoa học và có điều chỉnh theo thực tiễn. Việc “đóng - mở” phải dựa trên tiêu chí và phải công khai minh bạch tiêu chí để người dân hiểu và đồng thuận thực hiện.
Phải phân loại nguy cơ theo mức độ hẹp nhất, không theo chỉ giới hành chính, mà theo tiêu chí ổ dịch và tính chất phức tạp của ổ dịch.
Trong điều trị, cần dựa trên hướng dẫn thực hành chuẩn trên toàn quốc, phát hiện và điều trị sớm theo phác đồ thích hợp nhất (có túi thuốc cho cộng đồng chữa COVID-19) theo 3 cấp độ (nhẹ không triệu chứng - trung bình - nặng, nguy kịch) theo hình tháp.
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, để thực hiện được các nội dung trên, điều kiện tiên quyết là hệ thống chính trị của một tỉnh phải mạnh mẽ và thống nhất. Đồng thời phải có vaccine phủ kín nhóm dễ tổn thương: từ 60 tuổi (tốt nhất là từ 50) trở lên và những người có bệnh nền, sau đó phủ kín cộng đồng. “Chủ yếu bây giờ là nguồn vaccine, cần xã hội hóa cả đầu vào và đầu ra, sao cho đạt đích nhiều và nhanh, giá cả phù hợp”, ông Nhung đề xuất.
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cũng đồng thời đề nghị: “Để tăng cường hệ thống giám sát dịch tại tuyến cơ sở, tốt nhất là thực hiện lồng ghép với hệ thống chống lao tại các địa phương hiện nay, vì thực tế đã chứng minh tuyến tỉnh cũng đã sử dụng rất tốt hệ thống chống lao cho điều trị COVID-19”.
Bích Thủy/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất