07/02/2020 21:25 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Tính đến 18 giờ 45 phút ngày 7/2, đã có 51 tỉnh, thành phố, trong đó có Tp Hồ Chí Minh và Hà Nội báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh thêm một tuần (đến 16/2) để phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV). Ngoài ra, trước đó đã có 4 địa phương quyết định cho học sinh nghỉ học đến khi có thông báo tiếp theo là Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Điện Biên và Nghệ An.
Trước diễn biến dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện để phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất, bảo đảm an toàn cho tất cả mọi người, trong đó có giáo viên, học sinh, sinh viên. Đồng thời, Bộ cũng hướng dẫn các địa phương về việc chủ động điều chỉnh kế hoạch học tập khi cho học sinh nghỉ học kéo dài.
Việc cho học sinh nghỉ học là cần thiết
Chia sẻ về việc cho học sinh tạm nghỉ học để phòng chống dịch bệnh, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, tuyệt đối không được chủ quan. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sớm xây dựng kế hoạch hành động của ngành Giáo dục về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) và dịch bệnh mùa đông - xuân năm 2020.
Trong kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra mục tiêu rất rõ ràng: Thứ nhất, theo dõi, quản lý tốt sức khỏe học sinh, sinh viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên nhà trường, giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, ngăn chặn kịp thời không để dịch bệnh xâm nhập vào trường học.
Thứ hai, phối hợp với ngành Y tế xây dựng chương trình hành động, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên, cha mẹ học sinh về nguyên nhân, hậu quả cũng như các biện pháp phòng, chống dịch nCoV và dịch bệnh mùa đông - xuân năm 2020.
Thứ ba, triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, bảo đảm các điều kiện vệ sinh học đường, nguồn lực và cơ sở vật chất sẵn sàng đáp ứng kịp thời với các tình huống về dịch bệnh trong các nhà trường.
Kế hoạch hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu 4 nhiệm vụ rõ ràng để thực hiện mục tiêu trên, bao gồm: nhiệm vụ truyền thông; nhiệm vụ chỉ đạo điều hành; nhiệm vụ phối hợp liên ngành với tất cả các đơn vị để thực hiện kế hoạch; đặc biệt, tăng cường khâu đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện trong các cơ sở giáo dục…
Ngay trong điều hành, chỉ đạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xác định rõ ba tình huống: Tình huống chưa ghi nhận trường hợp dịch bệnh trong trường học cũng phải tính đến việc làm thế nào để phòng chống dịch bệnh; Tình huống xuất hiện trường hợp dịch bệnh xâm nhập vào trường học thì phải thực hiện thế nào; Tình huống dịch bệnh lây lan trong trường học thì phải ứng xử ra sao…
Ông Nguyễn Xuân Thành cũng chia sẻ: Đây là lần đầu tiên xảy ra dịch bệnh NCoV với tính chất lây lan nhanh, dễ lan ra diện rộng, trong khi kỹ năng phòng tránh của trẻ em còn hạn chế. Bên cạnh đó, các trường học vừa qua kỳ nghỉ Tết nên môi trường trường học cần phải được vệ sinh sạch sẽ, khử trùng để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên.
Cùng với đó là tính chất phức tạp của người nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, sân bay, bến bãi…Vì vậy, việc cho học sinh nghỉ vào thời điểm đang triển khai các biện pháp phòng tránh và khống chế dịch là cần thiết, để các trường lên kế hoạch phòng chống dịch bệnh, thực hiện vệ sinh trường lớp, chuẩn bị tất cả những điều kiện trang thiết bị y tế cần thiết trước khi đón học sinh trở lại trường học. Khi quay trở lại trường học, các em cũng đã được chuẩn bị các kĩ năng cần thiết để bảo vệ mình và những người xung quanh.
Giáo viên chủ động hướng dẫn học sinh tự học, ôn tập tại nhà
Trước băn khoăn của xã hội về việc học sinh nghỉ học kéo dài có thể ảnh hưởng đến kế hoạch năm học và kết quả học tập, ông Nguyễn Xuân Thành cho hay: Khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng từ năm học 2017-2018 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT. Căn cứ vào khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường, địa phương cũng xây dựng kế hoạch thời gian năm học cho phù hợp. Bởi vậy, khi học sinh phải nghỉ học trong một khoảng thời gian vì dịch bệnh cũng có ảnh hưởng đến kế hoạch chung này. Tuy nhiên, Bộ đã có hướng dẫn các địa phương về việc chủ động điều chỉnh kế hoạch, khi cho học sinh nghỉ học thì phải xây dựng kế hoạch cho học sinh học bù.
Bên cạnh đó, trong khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ, mỗi học kỳ đều có một tuần đệm, như là tuần dự phòng để đảm bảo có thể linh hoạt trong xây dựng kế hoạch thời gian năm học tại địa phương (khung thời gian năm học của Bộ là 37 tuần, trong khi chương trình học thì được thiết kế chỉ 35 tuần). Do đó, các địa phương, nhà trường có thể sử dụng quỹ thời gian này để bố trí học bù.
Trường hợp vẫn tiếp tục nghỉ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tính đến tình huống này. Khung thời gian năm học đã ban hành cũng có thể sẽ điều chỉnh nếu cần thiết. Hiện nay, quy định 31/5 là kết thúc năm học nhưng nếu trong trường hợp bất khả kháng có thể lùi lại sang tuần đầu của tháng 6. Trong tình huống bất khả kháng khác nữa, Bộ sẽ có kế hoạch điều chỉnh khung thời gian năm học để bảo đảm thực hiện đầy đủ khung thời gian chương trình, đáp ứng yêu cầu về kiến thức, kĩ năng cho các em học sinh.
Đối với học sinh lớp 12, sắp phải tham gia kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2020, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học nhấn mạnh: Về cơ bản, kỳ thi năm nay không có thay đổi lớn. Đề thi nằm trong chương trình Trung học phổ thông, chủ yếu lớp 12. Vì thế, giáo viên có thể hướng dẫn từ xa bằng các hình thức phù hợp để học sinh tự ôn tập kiến thức cơ bản trong chương trình đã học, tham khảo đề thi minh họa năm 2019 do Bộ đã công bố.
Giáo viên bộ môn các nhà trường có thể hướng dẫn học sinh làm đề cương ôn tập ở các môn học liên quan tới bài thi Trung học phổ thông quốc gia, hướng dẫn học sinh ôn tập qua hệ thống câu hỏi, trả lời, bài tập ôn luyện được xây dựng theo ma trận đề thi của Bộ.
Với các phương tiện và công nghệ hiện nay, giáo viên có thể có nhiều hình thức phù hợp để hỗ trợ học sinh tự học, ôn tập nhằm đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới. Hiện nay, một số trường đã chủ động hướng dẫn học sinh tự học ở nhà thông qua nhiều hình thức khác nhau như tin nhắn, email, group của lớp, trang web của trường hoặc sổ liên lạc điện tử vốn đã được phần lớn các trường áp dụng… Các hình thức này cho phép học sinh nghỉ ở nhà nhưng vẫn có thể tương tác với thầy cô, nhận nhiệm vụ học tập, được giáo viên chấm bài, chữa bài… Đây là những giải pháp tích cực ứng phó với dịch bệnh, duy trì việc dạy và học.
Việt Hà /TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất