Hút hồn với nghệ thuật pháp lam và gốm sứ

05/02/2015 12:33 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Triển lãm Tinh hoa nghệ thuật Pháp lam và gốm sứ, với chủ đề Thả hồn vào những đam mê đã diễn ra tại Trúc Lâm Viên, Đà Nẵng tối 4/2, tại Đà Nẵng, thu hút đông đảo giới văn nghệ sỹ cũng như du khách. Đây là lần đầu tiên nghệ thuật Pháp lam đến với Đà Nẵng.

Trong không gian cổ kính, những bức tranh nghệ thuật Pháp lam (Huế) cùng những sản phẩm gốm sứ Thanh Hà (Hội An) đã mang lại những cảm xúc thật đặc biệt, hút hồn du khách.


Pháp lam là những sản phẩm được làm bằng đồng hoặc hợp kim đồng, trên bề mặt được tráng men trang trí để tăng giá trị thẩm mỹ. Pháp lam có lịch sử từ Châu Âu, đến thế kỷ thứ 13 đã đến với Châu Á và thế kỷ 19 có mặt tại Việt Nam. Đây là một kỹ thuật khá khó, chỉ tồn tại trong giai đoạn ngắn, triều đại nhà Nguyễn, sau đó mai một dần trong niềm tiếc nuối khôn nguôi.

Là người khôi phục nghệ thuật Pháp lam và mang Pháp lam đến Đà Nẵng lần này, ông Đỗ Hữu Triết cho biết: Đây là một nghệ thuật vô cùng quý giá, và rất khó thực hiện. Năm 2005, tôi đã chọn đề tài về Pháp lam để làm luận văn thạc sĩ. Tiếp đó, tôi mày mỏ thử nghiệm xây dựng xưởng Pháp lam. Sau nhiều lần thất bại cuối cùng những mẫu sản phẩm pháp lam đầu tiên được phục dựng đã ra đời. Từ thành công ban đầu đó, tôi đã đúc rút kinh nghiệm và hoàn thiện dần quy trình công nghệ. Đến nay tôi cùng các cộng sự đã phục hồi được pháp lam Huế. Những tác phẩm Pháp lam trong triển lãm đều mang màu sắc hiện đại như Màu thời gian, Thục nữ, Sen Huế,…”


Bên cạnh đó, triển lãm còn trưng bày hàng chục tác phẩm gốm sứ Thanh Hà- Hội An được trang trí họa tiết đắp nổi rất hấp dẫn. Thật bất ngờ khi chủ nhân của những tác phẩm gốm sứ này lại không phải là người Hội An. Anh Đỗ Ngọc Thi Ca là trai Bắc.

Anh kể về cái duyên của mình với gốm: “Nhắc đến gốm sứ, mọi người đều thấy quen thuộc chứ không xa lạ như Pháp lam. Khi tôi đến Hội An thì gốm Thanh Hà đang có nguy cơ mai một, chỉ còn lại những người thợ gốm già, và giá trị kinh tế của các sản phẩm rất thấp. Tôi băn khoăn, rồi mai đây, ai sẽ kế thừa nét văn hóa 400 năm này. Và tôi quyết định bắt tay vào phục hồi, sau nhiều lần đi khắp các địa phương trên cả nước để rút kinh nghiệm, tìm ra kỹ thuật và mẫu mã mới cho sản phẩm của mình. Làng gốm Thanh Hà đã có thêm sinh khí, tạo công ăn việc làm cho nhiều người con trong làng. Hôm nay, đến đây, tôi mang đến bộ sưu tập những tác phẩm có đắp họa tiết sen nổi, đất nung đỏ, men màu,…Hi vọng, mang lại cái nhìn mới về nghệ thuật gốm sứ cho quý vị”.


Tại triển lãm, đã có hai tác phẩm được đấu giá là Sen Blue de Huế với chất liệu Pháp lam và tác phẩm gốm sứ Chum sen son đỏ. Với giá lần lượt 32 triệu đồng, và 22 triệu đồng, Sen  Blue de Huế và Chum sen son đỏ đã được nhưng người chơi sử hữu. Toàn bộ số tiền đấu giá được ủng hộ cho trẻ em bị chất độc da cam tại Đà Nẵng.


Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Đà Nẵng chia sẻ: “Tôi thật sự rất ngỡ ngàng trước không gian triển lãm đẹp, lạ mắt này. Triển lãm có ý nghĩa đặc biệt và lớn lao khi quyên góp cho trẻ em bị chất độc da cam. Đặc biệt hơn triển lãm này đã tạo điểm nhấn mở hàng cho các hoạt động văn hóa năm 2015”.


Hồng Thúy


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm