Sử liệu Trung Quốc không có Trường Sa, Hoàng Sa

12/01/2015 07:35 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân (Tiền Giang) vừa công bố tác phẩm quan trọng: Hoàng Sa, Trường Sa - Nghiên cứu từ sử liệu Trung Quốc (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 12/2014). Quan trọng không chỉ vì tính khai phóng vấn đề, chuẩn mực khoa học, văn phong sáng sủa, mà vì nó chỉ ra rằng lịch sử Trung Quốc từ thời nhà Hán đến thời nhà Thanh chưa từng quản lý và xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và cả vùng biển Đông Nam Á.

“Ngày nay, đối với vấn đề Biển Đông, tư liệu của Trung Quốc nhiều gấp mình vài chục lần. Nhưng chính việc họ gom tất cả lại để khẳng định chủ quyền đã làm nảy sinh ra những lỗ hổng, những sự mâu thuẫn, chúng ta có thể tận dụng để phản biện” - Phạm Hoàng Quân từng chia sẻ.

Khảo cứu sâu và rộng


Phạm Hoàng Quân theo quan điểm “uống nước tận nguồn”, nên với vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, dù rất thời sự, ông vẫn không nóng vội, mà cố gắng truy cập sâu vào nguồn sử liệu của Trung Quốc, từ chính sử, thực lục, nhất thống chí, địa đồ, hàng hải...

Ông đã khảo cứu hơn 200 bộ sách và hơn 180 địa đồ có tính chính thống từ thời nhà Hán cho đến cuối đời Thanh, nơi cho thấy rằng Trung Quốc chưa từng quản lý và xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và cả vùng biển Đông Nam Á.

Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân. Ảnh: Trần Việt Đức

Phạm Hoàng Quân cũng xem xét những sách, những ghi chép dạng “du ký”, vốn nhìn từ góc độ cá nhân, trung tính, không đại diện cho chính sử, nên cũng không thể giúp Trung Quốc xác lập chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa. “Hiện nay, phần lớn học giới Trung Quốc căn cứ vào loại du ký này để đưa ra lập luận, mà ít khi dựa vào những văn bản có tính pháp lý như chính sử, địa đồ...” - Phạm Hoàng Quân khẳng định.

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã từng công bố Trung Quốc hiện có hơn 400 luận văn, luận án và các tài liệu, bài viết về Biển Đông trong các trường đại học quốc tế. Phạm Hoàng Quân có đề cập đến những tài liệu này, nhưng không dựa vào đó để khảo sát sâu rộng, vì từ nguồn tài liệu chính thống trong cổ sử (nhà Thanh trở về trước) đã cho thấy lập luận của Trung Quốc là không thuyết phục.

Họ thường viết: “Qua các nguồn sử liệu lâu đời, Trung Quốc rõ ràng đã xác lập chủ quyền toàn bộ vùng Nam Hải”. Sách của Phạm Hoàng Quân chỉ ra rằng đó là ngụy biện, thậm chí ngụy thư, chính cổ sử Trung Quốc đã “gậy ông đập lưng ông” các lập luận của họ về sau này.

Sử liệu chính thống của Trung Quốc đồ sộ, xuyên suốt qua mấy ngàn năm, từ sử sách của triều đình cho đến “địa phương chí” của từng vùng đất đều thống nhất cực Nam của Trung Quốc là huyện Nhai (phủ Huỳnh Châu, đảo Hải Nam). Chính cổ sử của họ đã nhiều lần thừa nhận Biển Đông thuộc vùng biển Giao Chỉ, hoặc Chiêm Thành.

Tác phẩm Hoàng Sa, Trường Sa - Nghiên cứu từ sử liệu Trung Quốc
 
Chứng minh chứ không tranh luận

Phần lớn các sách nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa gần đây của Việt Nam được viết với chủ đích tranh luận, thậm chí tranh chấp pháp lý đối với hai quần đảo này, sách của Phạm Hoàng Quân không đi theo hướng này. Ông chủ đích phân tích thư tịch cổ Trung Quốc để xâu chuỗi, hệ thống thành một tài liệu khả tín, sáng sủa, dễ tiếp cận.

Trung Quốc thuộc nhóm vài quốc gia có truyền thống vẽ địa đồ từ trước Công nguyên. Địa đồ hành chính là công cụ khách quan thể hiện cương vực và chủ quyền của quốc gia, lãnh thổ. Phạm Hoàng Quân khảo hàng trăm địa đồ của Trung Quốc, từ Cửu vực thú lệnh đồ (năm 1121) cho đến Dư địa đồ (1526), Hoàng triều chức phương địa đồ (1636), và gần đây là Quảng Châu lịch sử địa đồ tinh túy (2003)… để chứng minh rằng trong địa đồ hành chính họ chưa từng xác nhận chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Phạm Hoàng Quân là nhà nghiên cứu hoàn toàn độc lập, ông đã mất gần 10 năm cho quyển sách 400 trang này. Ông sắp xuấn bản Thư mục đề yếu - Thư tịch Trung Quốc quan hệ đến lịch sử Việt Nam, từ khởi thủy đến năm 1949.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm