13/10/2021 06:54 GMT+7
(lienminhbng.org) - Báo chí gần đây rất hay dùng các từ, như “cha ruột/ bố ruột”, “mẹ ruột/ con ruột”…
“Ruột” ngoài tư cách danh từ (chỉ “phần của ống tiêu hóa từ cuối dạ dày đến hậu môn” của người hay động vật) còn là một tính từ, với nghĩa: 1) “thuộc về mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, giữa những người cùng cha mẹ hoặc giữa những người có cùng cha mẹ với con cái của họ”. (VD: anh em ruột, đi thăm ông bác ruột, cháu ruột) và 2) “[phương ngữ, khẩu ngữ], gần gũi, thân thiết như ruột thịt (VD: bồ ruột, chiến hữu ruột, khách hàng ruột) (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).
Nhưng người Việt chỉ dùng “ruột” kết hợp với “bố”, “mẹ”, “anh”, “chị” để thành “bố ruột”, “mẹ ruột”. “anh ruột”, “chị ruột” khi cần phân biệt hay để nhấn mạnh. Chẳng hạn: “Nó chỉ quý ông bố nuôi nhiều tiền mà quên mất tình nghĩa với bố ruột”; “Hữu không phải là anh ruột mà là anh cùng cha khác mẹ”; “Đến em ruột mà nó còn chẳng thương” v.v… Chứ bình thường, chỉ cần nói đến “bố/ mẹ” ai đó là bất kỳ một người Việt nào cũng hiểu đó là những người thân sinh ra người ấy (chứ không cần phải nói “bố ruột”, “mẹ ruột” làm gì).
Cao Xuân Hạo, trong bài “Anh trai, chị gái - có phải là trùng ngữ?” (Ngôn ngữ & Đời sống, s.12/1997) cho rằng, nói “con đẻ/ con ruột” là để phân biệt với “con dâu, con rể, con nuôi, con đỡ đầu”, cũng như nói “bố đẻ/ bố ruột” là để phân biệt với “bố dượng, bố vợ, bố chồng, bố nuôi, cha đỡ đầu”, cũng như nói “mẹ đẻ/ mẹ ruột” là để phân biệt với “mẹ kế, mẹ vợ, mẹ chồng, mẹ nuôi, mẹ đỡ đầu” v.v…
Do tần suất sử dụng cao, quá phổ biến nên bình thường khi nói ai đó là “bố”, “mẹ”, “anh/em” (mà không có định ngữ kèm theo, như “nuôi”, “đỡ đầu”, “dượng”, “kế”… nhằm để phân biệt) thì hiển nhiên ta hiểu đó là “những người ruột thịt”.
Vì vậy, với kết hợp từ “anh trai”, “chị gái” thì theo ông, không phải trùng ngữ (pleonasm), mặc dù có sự không logic, bởi “kết hợp thừa”: anh + trai, chị + gái (anh đương nhiên phải là “trai” - giống đực và “chị” cũng đương nhiên là “gái” - giống cái). Sự thêm vào (anh + trai, chị + gái) thành một từ ghép định danh với người Việt chỉ để khẳng định “đó chính là anh/ chị ruột”. Còn nếu không sẽ phải có một định ngữ làm rõ: “anh/ chị nuôi”, “anh/ chị kết nghĩa”, “anh rể”, “chị dâu”, “anh họ”, “anh đồng hao” v.v…
Bình thường, khi nghe nói “A là con trai (hay con gái) của ông B và bà C” thì bất kỳ một người Việt nào cũng hiểu A là con đẻ (con ruột) của ông B và bà C. Chính “cái phổ biến” làm nên “cái chuẩn” (cũng như hiện nay, nghe nói “Em ấy là đoàn viên” thì mọi người sẽ hiểu “em ấy” là đoàn viên Đoàn TNCS HCM chứ không phải là “đoàn viên công đoàn” hay đoàn viên một hội đoàn nào khác).
Vì vậy, theo tôi, không cần thiết phải thêm chữ “ruột” trong tít báo “Con gái ruột của nghệ sĩ...” hay trong bất kỳ một nội dung diễn đạt tương tự (con trai ruột, bố ruột, mẹ ruột…) v.v…
PGS-TS Phạm Văn Tình
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất