30/08/2017 07:10 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Mấy ngày gần đây, phim Việt (cả chiếu rạp và truyền hình) lại nhận về những lùm xùm không đáng có, mà chủ yếu do sự thiếu tôn trọng tác quyền. Điều này đương nhiên sẽ ảnh hưởng xấu đến cách làm việc theo hướng chuyên nghiệp và cả việc xây dựng, gìn giữ đạo đức nghề nghiệp.
Kể từ ngày 27/8/2017, khi phim truyền hình Hàn Quốc Sự quyến rũ của người vợ được tái phát sóng buổi trưa mỗi ngày (12h) trên VTV8, thì chuyện đạo kịch bản trắng trợn của phim truyền hình Việt Ngoại tình với vợ lại được đề cập trên mạng và cả báo chí.
Cụ thể của vụ việc này: phim Ngoại tình với vợ bị khán giả cho rằng có nội dung kịch bản giống đến hơn 90% phim Sự quyến rũ của người vợ, mà không hề ghi chú gì.
Phim Sự quyến rũ của người vợ từng phát sóng trên VTV3 từ 6-7 năm trước, còn phim Ngoại tình với vợ (40 tập) phát sóng trên kênh SCTV từ ngày 11/9/2015.
Một phim đang công chiếu ngoài rạp là Lời nguyền gia tộc cũng đang nhận về nghi án sử dụng ca khúc trong phim từng đoạt giải Oscar mà không hề chú thích.
Hôm 25/8, trên trang riêng của mình, một tên tuổi gắn liền với giới sản xuất phim Việt là Anh Poly đã viết: “Khi lời ca “oh my love…” vang lên thì Poly cũng buột miệng ngay trong rạp “oh my ghost”. Đây là bài hát Unchained Melody do The Righteous Brothers trình bày, được sử dụng trong bộ phim đình đám Ghost (1990).
“Poly ngồi nán lại xem đến hết phần ghi chú (credit) của phim để xem phần âm nhạc, thì ngạc nhiên vì không có một dòng nào đề cập đến bài hát này. Ngay cả bài Dạ cổ hoài lang nổi tiếng mà cô đào Yên Khê trình bày trong phim cũng tuyệt nhiên không có một dấu tích. Chỉ thấy để tên người làm nhạc phim là Viết Thanh”.
Hay như mới đây, trong bộ phim truyền hình Thứ 3 học trò (vừa ngừng phát sóng), người xem đã phản ánh rằng nền nhạc của các tập 31 và 33 là lấy lại nguyên xi trong bộ phim truyền hình Hàn Quốc có tên Trái tim mùa Thu, mà không hề có chú thích gì cả. Người xem phim cũng chỉ thêm rằng ở các tập khác của phim này lại lấy nhạc của một phim Nhật, có tên là 1 Litre OfTears (1 lít nước mắt), vốn do Susumu Ueda sáng tác độc quyền cho phim này.
Một phim dự kiến ra rạp ngày 6/10 tới đây là Tao không xa mày cũng đang vướng phải tranh chấp về kịch bản gốc. Trên mạng xã hội, Cường Vũ (tức Vũ Quốc Cường) trưng ra nhiều chi tiết cho thấy kịch bản này vốn được đạo diễn Rony Hòa đề nghị anh viết từ cuối năm 2015, dựa trên chính truyện ngắn Dòng đời mà Cường Vũ sáng tác năm 2012.
Thế nhưng, qua báo Thanh niên, đạo diễn Rony Hòa lại khẳng định: “Chúng tôi không ăn cắp. Về phần nội dung phim, tôi xin nói rõ ở đây là Tao không xa mày chỉ cảm tác trên truyện ngắn Dòng đời để làm phim.
Mặt khác, kịch bản của phim đã được Cục Bản quyền tác giả cấp phép, có nghĩa là ở hai kịch bản này không có sự giống nhau đến 90% như Vũ Quốc Cường nói. Giấy phép của chúng tôi được cấp trước vào ngày 3/3/2016, còn của Cường được cấp sau ngày 28/3/2016”.
Để phân định đúng sai và phân xử những tranh chấp này cho minh bạch đã có các cơ quan chức năng đảm trách. Thế nhưng, nếu nhìn từ thái độ làm nghề và đạo đức nghề nghiệp, ở đây có những suy nghĩ và hành động thiếu tích cực, thiếu chuyên nghiệp. Giả dụ phim Tao không xa mày không lấy kịch bản như Cường Vũ nói, thì đạo diễn cũng không thể nói đơn giản rằng “chỉ cảm tác trên truyện ngắn”, vì truyện ngắn đã là nguồn cảm hứng chính, không có nó thì khó có phim này.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất