'Hiện tượng' Hoài Lâm và cú hích game show

17/06/2014 08:01 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(lienminhbng.org) - Gương mặt thân quen (GMTQ) đã về đích ngoạn mục cuối tuần vừa qua, chọn ra được quán quân không thể xứng đáng hơn: Hoài Lâm. Đây là người có khả năng bắt chước xuất sắc nhất trong 2 mùa của chương trình. Hoài Lâm đã tạo ra một "hiện tượng" tương tự như Uyên Linh đã làm trong Vietnam Idol.

Những game show nhập khẩu ở nước ngoài về Việt Nam, dù format chương trình có hay đến đâu, chuẩn bị có kỹ lưỡng thế nào mà không tuyển được người chơi hay, hoặc thí sinh tài năng thì khó có thể thành công. Vietnam Idol 2010 đã thành công rực rỡ khi tạo nên "hiện tượng" Uyên Linh. Giọng hát Việt cũng làm bật lên được một giọng ca đầy triển vọng: Hương Tràm. Năm nay tới lượt GMTQ vào "vận" khi chọn được Hoài Lâm.

Hoài Lâm từ zero (số không) thành hero (người hùng)

Khán giả truyền hình rất thích những mẫu từ số không trở thành người hùng. Từ một anh chàng vô danh, Hoài Lâm đã khiến khán giả cả nước phải chú ý tới mình, đặc biệt là ở 3 tập cuối của GMTQ. Với phần trình diễn hóa thân nam ca sĩ đang "hot" Sơn Tùng M-TP, Hoài Lâm đã tạo nên một cơn sốt thực sự. Anh đóng đạt từ phần ngoại hình, cách trình diễn, khẩu hình cho đến giọng hát. Điều quan trọng là Hoài Lâm đã có một phần hát hoàn chỉnh, để khán giả có thể thưởng thức.


Hoài Lâm hóa thân thành nghệ sĩ Thanh Nga trong đêm chung kết GMTQ

Ngay sau phần trình diễn hiện đại, trẻ trung, Hoài Lâm đã thực sự gây sốc khi hóa thân thành nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu. Việc một người trẻ thời nay chọn chèo, cải lương đã lạ, chọn xẩm thì càng lạ hơn vì đây là loại hình ít người dám thử sức. Cách Hoài Lâm vừa nhai trầu, vừa nhấn nhá nhả chữ như "bu" Cầu đã khiến khán giả từ ngạc nhiên, chuyển sang thích thú, khâm phục thực sự.

Đêm chung kết Hoài Lâm hóa thân thành nghệ sĩ Thanh Nga, nhiều khán giả đã phải rơi nước mắt. Đây là điều chưa từng có đối với game show, đặc biệt là một game show thuần túy giải trí, và lại có tính hài hước như GMTQ.

Việc chọn âm nhạc dân tộc là một chiến thuật khôn ngoan của Hoài Lâm. Với một chương trình mà thí sinh toàn hóa thân thành ca sĩ nước ngoài như GMTQ, việc một người trẻ Hoài Lâm chọn hóa thân thành những nghệ sĩ nổi tiếng, đã qua đời của dòng nhạc cổ truyền bỗng dưng thành... của hiếm. Nhưng quan trọng là Hoài Lâm có giọng và có đủ tài để hóa thân.

Clip Hoài Lâm hóa thân thành nghệ sĩ Thanh Nga trong đêm chung kết:


Cú hích cho game show đang bão hòa

Phiên bản gốc của GMTQ là chương trình Your Face Sounds Familiar của Tây Ban Nha, lên sóng tại Tây Ban Nha từ năm 2011 và có rating cao kỷ lục.

Năm 2013, chương trình được bán sang Anh và tạo nên phiên bản Anh rất thành công. Trước và sau đó, bản quyền sản xuất Your Face Sounds Familiar đã bán được cho hơn 20 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Pháp, Đức, Italy, Trung Quốc, Brazil, Argentina... Phiên bản Mỹ mang tên Sing Your Face Off mới bắt đầu lên sóng từ 31/5.

Chương trình GMTQ phiên bản Việt được báo chí giới thiệu là “mua bản quyền của Hà Lan”, trong khi phiên bản Your Face Sounds Familiar Hà Lan của đài RTL Nederland sản xuất lên sóng cuối năm 2012. Khi đến Việt Nam, mùa đầu của GMTQ không quá nổi, đến mùa thứ hai gây bất ngờ khi tạo cơn sốt và khơi mào tranh luận.

Mặc dù cũng được coi là “thành công toàn cầu”, nhưng độ nổi của Your Face Sounds Familiar trên thế giới chưa thể sánh với những chương trình truyền hình thực tế trước đó đã đến Việt Nam như Thần tượng âm nhạc, Giọng hát Việt, Vietnam's Got Talent hay Bước nhảy hoàn vũ.

Nhưng cũng phải hiểu rằng American Idol (Thần tượng âm nhạc Mỹ) có đến hơn 13 năm phát triển còn Your Face Sounds Familiar mới được 3 năm, lại xuất hiện trong bối cảnh bão hòa truyền hình thực tế. Khi chương trình đến Mỹ, tờ Hollywood Reporter nhận xét: “Khi các chương trình trị giá hàng tỷ USD khác đang cạn dần ý tưởng, các nhà sản xuất ở Mỹ tuyệt vọng tìm cú hích mới”.

Điểm cộng của GMTQ năm nay là giữ được nguyên BGK mùa đầu: Danh hài Hoài Linh, nữ ca sĩ Mỹ Linh, nhạc sĩ Đức Huy. BGK này có phong cách khá dân dã, gần gũi với khán giả. Đặc biệt là Hoài Linh, với khả năng pha trò thiên bẩm, nói câu gì khán giả cũng cười rần rần. Điểm cộng nữa là dàn nghệ sĩ tham gia chương trình này quá nhiệt tình. Nói về mức độ xả thân thì họ phải vất vả hơn gấp nhiều lần so với một game show có chút tương đồng là Cặp đôi hoàn hảo. Nhóm thí sinh của GMTQ không ngại bị làm xấu (sau khi hóa trang) và đàn ông cũng không ngại mặc váy nhảy trên sân khấu. Một điểm cộng nữa là các nghệ sĩ miền Nam có cách giao lưu với khán giả rất dễ mến, dễ chịu.

Và cú "bật" của GMTQ đã tạo nên một hiện tượng thú vị của truyền hình năm 2014.

Linh Lan - Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm