09/04/2022 13:30 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Không ít người trong số chúng ta đôi khi vẫn hiểu chưa rõ về nghĩa của hai chữ “có căn”. Ta thường quen gọi những người mặc xiêm áo sặc sỡ sắc màu của các vị Thánh và ngự trên sập Công đồng là người có căn.
Vậy cách hiểu ấy đã đúng hay chưa? Liệu có phải chỉ những ông bà đồng ngồi trên sập mới có căn, mà biết đâu ngay cả chúng ta cũng giống họ? Thông qua bài viết này, tôi muốn mỗi quý độc giả hãy tự suy ngẫm lại xem mình có căn hay không.
Từ lâu, ta đều thấy hai chữ “có căn” đa phần được dùng để chỉ những thanh đồng, những người có mối duyên với nơi Cửa Mẫu, dễ hiểu nhất là dân gian mình hay gọi ông bà đồng. Thế mà lâu nay không ít người vẫn chưa hoàn toàn hiểu đúng về chữ “căn”.
Cái "căn" có liên quan tới tín ngưỡng chính xác ra là “căn đồng số lính”, nói một cách dễ hiểu hơn là có mối duyên với Cửa Mẫu, với Nhà Thánh. Hai chữ "đồng" và "lính" đều là từ dùng để chỉ thân phận mang trọng trách bắc ghế hầu Thánh, mua vui cho các vị Thánh để được các Ngài ban phước. Lầm tưởng này xuất phát trong cách dụng ngôn hàng ngày của nhiều người chúng ta, vì gọi cả từ ra thì thật dài, nên người ta mới giản lược còn đúng một chữ "căn". Dẫu không hoàn toàn chính xác, nhưng cũng đủ để người nghe hiểu được ý của người nói.
Một chữ “căn” ngắn thế thôi, nhưng lại gợi cho tôi cả một dòng suy tưởng sâu xa. Vậy là tôi phải lần giở trang từ điển Hán Việt để hiểu cho tỏ tường chữ này. “Căn” có ý nghĩa là gốc, hiểu rộng ra thì tức là gốc rễ, là cội nguồn. Như vậy, “có căn” là có gốc rễ, có tổ tiên, có nguồn cội. Mà trong số chúng ta, làm gì có ai là không có cội nguồn đâu. Chính cái họ trong tên của mỗi chúng ta đã thể hiện rõ nét nhất gốc gác của chúng ta là ai. Và rồi chúng ta, từ những người mang những họ khác nhau lại có chung một cái “căn” lớn hơn.
Cái “căn” lớn được lí giải thông qua các câu chuyện mang đậm bản sắc dân tộc, vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam. Ta đều đã biết rất rõ truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên của người Kinh. Ngược lên vùng núi phía Bắc, ta lắng lại để nghe chuyện Quả bầu mẹ, kể về sự ra đời của một số dân tộc Việt Nam. Với câu chuyện của người Khơ-mú, các dân tộc lần lượt là Khơ-mú, Thái, Tày, Lự, Lào, Kinh chui ra từ trong quả bầu do người em gái đẻ ra. Đã vậy, người Khơ-mú còn cách lí giải rất duyên cho câu hỏi tại sao làn da của họ ngăm đen hơn tất cả, là vì họ chui ra đầu tiên nên dính muội than trên quả bầu (khi sinh ra quả bầu, người em vì không nỡ để cho người anh đập đi, nên đã để lên gác bếp), còn vì người Kinh chui ra cuối cùng nên làn da trắng nhất.
Xuôi xuống tỉnh Hòa Bình, ta dừng mắt trên trang sử thi Đẻ đất đẻ nước của người Mường, chuyện kể về đôi chim trống mái là Chim Tùng và Chim Tót đã xây nhà, dựng chùa, khơi sông, khai ruộng và rồi đẻ ra những người con nói tiếng Lào, tiếng Kinh, tiếng Mọn, tiếng Xiên Quan, tiếng Thái, tiếng Mán. Dẫu là mỗi dân tộc lại sáng tạo ra những câu chuyện gắn với gốc tích khác nhau, nhưng điểm chung là đều minh định trong tâm thức người Việt, chúng ta dù có khác nhau về tiếng nói, màu da, dòng họ thì ta đều có chung một nguồn gốc.
Giống như Việt Nam, các quốc gia khác cũng có những truyền thuyết riêng về gốc gác của họ. Đi thẳng về hướng Bắc, sang Trung Quốc, ta chắc hẳn đã nghe tới câu chuyện Nữ Oa tạo ra loài người từ đất sét. Từ ấy mà tục thờ Nữ Oa được hình thành và phát triển, nhằm tôn vinh đấng sáng tạo ra loài người.
Dọc theo tuyến đường sắt cao tốc Vân Nam - Viêng Chăn, về tới Lào, ta đến với câu chuyện khởi thủy của người dân nơi đây. Người Lào coi mình là con cháu của Khun Borom (con trai của vị thần tối cao Then, phụng mệnh cha xuống cai quản cõi người). Khun Borom chia bảy vùng đất cho bảy người con, trải dài từ Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar và Lào, tượng trưng cho sự phân bố các dân tộc anh em thuộc nhóm ngữ hệ Tai (Thái).
Nếu xét về góc độ khoa học, toàn nhân loại chúng ta cùng có một cái "căn" còn lớn hơn thế rất nhiều. Ta và bạn bè ngoại quốc dù có riêng quốc tịch, tiếng mẹ đẻ hay thần thoại khởi thủy…, nhưng lại có điểm chung, đều là con cháu của Homo sapiens, loài người tinh khôn. Hóa ra chúng ta có những lúc hợp tác cùng phát triển mục tiêu chung, rồi cũng có những lúc mâu thuẫn nhau dẫn đến sự đối đầu, xung đột vũ trang, chiến tranh, nhưng nhìn lại mà xem, dẫu sao vẫn đều là anh em, là họ hàng.
Vậy mới thấy, hai chữ “có căn” tưởng lạ mà lại hóa quen. Lạ vì không ít người Việt ta lầm tưởng rằng từ này dành riêng cho những người được bắc ghế hầu Thánh, có năng lực kết nối giữa thần linh và người phàm. Quen vì đúng là thật không thể ngờ, cái “căn” ấy ăn sâu bám rễ vào mỗi chúng ta, nuôi dưỡng đời sống tinh thần của ta. Dẫu “căn” mà đa số chúng ta có không phải sợi dây liên kết thế giới thực và thế giới thần linh như những người thực hiện nghi thức hầu đồng, nhưng lại có thể kết nối quá khứ với hiện tại, kết nối thế hệ đi trước và đi sau, người sống và người đã khuất, con cháu với cha ông. Chính từ các gốc rễ ấy đã sản sinh ra tục thờ cúng tổ tiên, những người đã khuất. Nén hương nghi ngút cùng lòng thành kính dâng lên trước án thể hiện đạo lý cao đẹp của dân tộc mình, "uống nước nhớ nguồn". Các cụ tuy đã bước sang âm giới, nhưng ở đâu đấy sâu bên trong tâm thức của những người ở lại, họ vẫn luôn ở bên ta, bao bọc và che chở cho ta và là chỗ dựa tinh thần an yên nhất của ta.
Phàm là người trần, ai chẳng có tổ tông. Ngay cả thanh đồng - người trần hầu việc Thánh đi nữa, thì cũng có cái "căn" như mỗi chúng ta mà thôi. Bởi họ cũng do cha mẹ sinh ra, cũng có tông ti họ hàng. Họ chỉ đặc biệt hơn là được Mẫu thương mà nhận đồng, để rồi được đứng dưới hàng ngũ con Thánh. Những thanh đồng ấy không những là con của phụ mẫu thân sinh, mà còn là con của Vua Cha, của Mẫu Tam Tòa. Cho nên, trách nhiệm cũng từ đó mà nặng gấp đôi. Chẳng thế, dân gian xưa có câu chỉ những thanh đồng, “đầu đội việc Thánh, vai gánh việc trần” hay “vai quản việc Thánh, vai gánh việc trần”. Ý muốn nói các ông đồng, bà đồng vừa phải đảm đương những công việc trong cuộc sống hàng ngày, trong đó có cả việc phải quán xuyến gia đình, dòng họ, vừa phải chăm lo cho việc phụng sự Nhà Ngài. Nhận nhiều tình thương hơn người thường, ắt phải gánh trách nhiệm lớn hơn, âu cũng là điều dễ hiểu.
Viết đến đây, tôi lại nhớ đến lời răn trong câu ca dao xưa:
Con người có tổ có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn
Cây với sông, những thứ vô tri của tự nhiên của tạo hóa nhưng có cội, có nguồn, nên tôi càng thấm thía và trân trọng cái “căn” bám chặt bên trong tôi. Cái "căn" này là gia tộc, dòng họ của tôi. Nhìn xa và nghĩ lớn hơn, cái "căn" của tôi đồng thời là một dân tộc hùng cường, đầy kiêu hãnh, giàu truyền thống - dân tộc Việt Nam. Tôi tin các quý độc giả ở đây cũng giống tôi, cũng đều là những người "có căn".
Nguyễn Phúc Nam Dương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất