Vắc-xin ngừa HIV: Hiện thực hay lạc quan tếu?

29/10/2009 13:40 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Lần đầu tiên tại Hội nghị quốc tế về AIDS (từ ngày 19 đến 22/10 ở Paris, Pháp), kết quả thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ngừa HIV đã được giới thiệu trước các nhà khoa học. Hiện tại, ý kiến về điều này rất trái ngược, từ nghi ngờ theo hướng “sổ toẹt” đến lạc quan quá thành ảo tưởng.


Trong vòng 10 - 15 năm tới sẽ chưa có vắc-xin ngừa HIV đạt hiệu quả cao
Cuộc thực nghiệm ở Thái Lan

Thông tin rằng cuộc thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ngừa HIV tại Thái Lan đã thành công xuất hiện trên báo chí từ ngày 24/9/2009. Bộ trưởng Y tế Thái Lan công bố điều này tại một cuộc họp báo. Giới truyền thông gọi đây là bước đột phá, một cuộc cách mạng... Còn các nhà khoa học thì phản ứng dè dặt hơn, thậm chí hoài nghi.


Nhà vi trùng học Anh S. Norley, trưởng nhóm nghiên cứu vắc-xin ngừa HIV tại Viện Robert Koch ở Berlin (Đức), không giấu được sự nghi ngại. Ông nói: “Thông tin về vắc-xin mới được cung cấp bởi báo chí chứ không phải do các nhà nghiên cứu đưa ra. Hơn nữa, báo chí thường có khuynh hướng thổi phồng các kết quả khoa học. Tất cả chúng ta ai cũng biết rằng sau vô số những bài báo hân hoan thì ít có kết quả nào được khẳng định”.

Norley cũng giống như nhiều đồng nghiệp của mình, rất ngạc nhiên trước việc kết quả nghiên cứu lại được công bố tại một cuộc họp báo mà không có những tài liệu khoa học đi kèm. Điều này khiến cho các nhà khoa học rất khó đánh giá.

Hiện tại, giới nghiên cứu đã biết về sự tồn tại của bốn loại virus HIV và mỗi loại lại có nhiều dạng. Vấn đề khó khăn cơ bản trong việc tạo ra vắc-xin là virus HIV vô cùng thiên biến vạn hóa. Norley so sánh: “Trong cơ thể của chỉ một bệnh nhân AIDS, số biến thể virus HIV còn nhiều hơn tổng biến thể của virus cúm trên toàn trái đất”. Trong điều kiện như vậy thì vắc-xin nếu có tác dụng đối với một dạng virus HIV thì cũng có thể hoàn toàn vô dụng với những dạng khác.

Cuộc thử nghiệm lâm sàng ở Thái Lan thuộc loại nghiên cứu lớn nhất trên thế giới. Trong vòng 6 tháng, mỗi người tình nguyện được tiêm sáu mũi. Một nhóm được tiêm vắc-xin, còn nhóm khác chỉ được tiêm dung dịch bổ dưỡng, không có tác dụng ngừa virus. Vắc-xin được điều chế ra từ hai loại thuốc - một loại kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể, giả dạng kẻ thù để đánh động hệ thống miễn dịch chuyển sang cơ chế sẵn sàng chiến đấu, còn loại kia tăng cường tính miễn dịch khi tiếp xúc với virus. Cả hai loại thuốc này đã được làm ra từ lâu nhưng việc sử dụng chúng riêng rẽ không đem lại hiệu quả tích cực. Các nhà nghiên cứu ở Thái Lan không cho biết vì sao việc kết hợp hai loại thuốc lại đưa đến kết quả khả quan.


Dùng bao cao su trong quan hệ tình dục
vẫn là cách tránh nhiễm HIV tốt nhất

Kết quả nhỏ, ý nghĩa lớn

Gần một tháng sau cuộc họp báo gây tranh cãi nói trên, kết quả thử nghiệm lâm sàng tại Thái Lan đã được giới thiệu với các đại biểu dự Hội nghị Quốc tế về AIDS ở Pháp. Trong vòng 5 năm, 16.000 người Thái Lan đã tham gia thử nghiệm và kết quả đạt 31%. Supachai Rerks- Ngam, chuyên viên cao cấp của Bộ Y tế Thái Lan kiêm trưởng nhóm thử nghiệm, cho rằng kết quả này là thành công lớn đối với khoa học - “có thể điều chế ra vắc-xin ngừa HIV”.

Jerome Kim - nhân viên Chương trình Nghiên cứu HIV của Bộ Quốc phòng Mỹ, cơ quan đặt hàng cho cuộc thử nghiệm ở Thái Lan - có cái nhìn thận trọng hơn: “Chúng tôi chờ đợi kết quả lớn hơn nhiều từ vắc-xin được thử nghiệm trong lĩnh vực y tế cộng đồng. Song loại vắc-xin mà chúng tôi đang thử lại đem đến hiệu quả quá khiêm tốn”. Hơn nữa, theo Kim, loại vắc-xin nói trên chỉ dùng để phòng dạng virus phổ biến ở Thái Lan còn đối với các dạng khác thì chưa rõ hiệu quả đến đâu. Những người tình nguyện Thái Lan đều thuộc đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV thấp. Kim nói: “Chúng tôi không biết phương pháp này có tác dụng ra sao đối với nhóm nguy cơ cao. Các số liệu của chúng tôi cho thấy rõ ràng rằng loại vắc- xin đang được thử nghiệm không thể sử dụng trong lĩnh vực y tế cộng đồng”.

Tuy nhiên, ông này cho rằng, công trình nghiên cứu ở Thái Lan giờ đây cho phép các nhà khoa học hành động sáng suốt và hợp lý hơn để chế ra vắc-xin ngừa HIV có tác động đối với mọi loại virus tồn tại trên trái đất và đạt hiệu quả cao.


Kết quả cuộc thử nghiệm ở Thái Lan dù chưa được minh chứng trên thực tế (mới được thông báo trên giấy) và chưa có tác dụng với các dạng virus HIV khác song đã khích lệ niềm tin của nhiều nhà khoa học. Ngay bản thân Norley cũng thay đổi thái độ. Ông nói: “Nếu kết quả cuộc thực nghiệm đúng như người ta đã công bố thì có cơ sở để vui mừng. Vắc-xin mà các nhà khoa học Thái Lan làm ra đã phần nào ngăn chặn được HIV. Hơn 20 năm qua, chúng tôi đã cố làm điều này mà chưa được”.

Dĩ nhiên hàng chục triệu người bị nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS trên thế giới chẳng thể trông mong gì ở loại vắc-xin đã có. Nhưng nếu nó bảo vệ được người lành khỏi HIV thì đây cũng đã là kỳ tích, bởi mỗi ngày trên hành tinh chúng ta ghi nhận 7.500 trường hợp nhiễm mới.

Bao giờ sẽ có loại vắc-xin ngăn chặn được đại dịch AIDS? Nhà nghiên cứu virus Wolfgang Preiser ở Nam Phi cho biết: “Sẽ mất 10 - 15 năm để chúng ta chế ra loại vắc-xin có hiệu quả và tác dụng toàn cầu, nếu điều này là có thể làm được”.

Trần Quang Vinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm