Châu Á ghi nhận hơn 1 triệu ca tử vong vì Covid-19

03/09/2021 10:49 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h ngày 3/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 219.920.128 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.555.802 ca tử vong.

Thế giới gần 220 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 4.548.893 ca tử vong

Thế giới gần 220 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 4.548.893 ca tử vong

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 659.930 ca tử vong trong tổng số hơn 40,3 triệu ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 439.559 ca tử vong trong số hơn 32,8 triệu ca. Brazil đứng thứ 3 với 581.228 ca tử vong trong số hơn 20,8 triệu ca.

Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 196.561.311 người. Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 662.853 ca tử vong trong tổng số 40.513.018 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 439.916 ca tử vong trong số 32.902.345 ca. Brazil đứng thứ 3 với 582.004 ca tử vong trong số 20.830.712 ca.       

Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 602 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 311 người và Bosnia-Herzegovina với 299 người/100.000 dân.   

Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,4 triệu ca tử vong trong hơn 43,3 triệu ca. Tiếp đến là châu Âu, có hơn 63,3 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,2 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận hơn 1 triệu ca tử vong trong hơn 70,6 triệu ca. Bắc Mỹ có hơn 1 triệu ca tử vong trong hơn 48,5 triệu ca. Châu Phi ghi nhận hơn 198.100 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 2.200 người.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Busan, Hàn Quốc, ngày 30/8/2021. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Ngày 3/9, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cho biết nước này sẽ duy trì các quy định giãn cách xã hội được thắt chặt trên toàn quốc thêm một tháng nữa, trong bối cảnh Hàn Quốc đang chuẩn bị cho một đợt bùng phát ca lây nhiễm có thể xảy ra trong dịp Tết Trung thu. Kế hoạch mới sẽ có hiệu lực từ ngày 6/9-3/10, khu vực Seoul sẽ vẫn duy trì các quy định giãn cách xã hội ở Cấp độ 4, cấp cao nhất, trong khi phần còn lại của đất nước sẽ áp dụng quy định ở Cấp độ 3.

Chính phủ đã nới lỏng phần nào lệnh giới nghiêm khi cho phép các quán cà phê và nhà hàng trong khu vực thủ đô mở cửa đến 22h thay vì 21h như hiện nay. Theo kế hoạch giãn cách xã hội mới, chính quyền Hàn Quốc cho phép tụ tập với tối đa 6 người trong khu vực thủ đô sau 18h nếu 4 người trong số họ đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ.   

Trong khi đó, Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) - Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết giới chức y tế cộng đồng của Mỹ đang theo dõi sát sao sự nổi lên của biến chủng Mu - một chủng mới của virus SARS-CoV-2. Tiến sĩ Fauci xác nhận biến chủng Mu đã xuất hiện tại Mỹ và nhấn mạnh “chúng tôi đang theo dõi sát sao biến chủng này”. Tuy nhiên, ông Fauci cùng với Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ Rochelle Walensky lưu ý rằng biến thể Delta vẫn là chủng virus chủ yếu đang lây lan tại Mỹ, chiếm hơn 99% số ca dương tính mới.   

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Haifa, Israel. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo hầu hết các quốc gia châu Phi sẽ bỏ lỡ mục tiêu quan trọng là tiêm chủng cho 10% dân số dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch COVID-19 vào cuối tháng 9/2021. Theo Văn phòng WHO tại châu Phi, 42/54 quốc gia - tương đương 80% quốc gia ở châu Phi, sẽ không đạt mục tiêu trừ khi tăng tốc độ cung cấp vaccine và tiêm chủng.

Theo Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi, việc tích trữ vaccine đã kìm hãm châu Phi và khu vực này cần thêm vaccine khẩn cấp. Bà nói thêm rằng khi có nhiều vaccine hơn, các quốc gia châu Phi phải tập trung thực hiện và thúc đẩy các kế hoạch nhanh chóng tiêm chủng cho hàng triệu người vẫn đang đối mặt mối đe dọa nghiêm trọng từ COVID-19. WHO cho biết số ca nhiễm COVID-19 đã giảm nhẹ ở châu Phi nhưng vẫn ở mức cao.   

Trên phạm vi toàn cầu, WHO đặt mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 cho 10% dân số ở mỗi quốc gia vào cuối tháng 9 này, 40% dân số của mỗi quốc gia vào cuối năm 2021 và 70% dân số của mỗi quốc gia vào giữa năm 2022. Hiện đã có ít nhất 140 quốc gia đạt mục tiêu này. Trong đó, châu Phi có 9 quốc gia, bao gồm cả Nam Phi, Maroc và Tunisia.   

Tại châu Á, Indonesia là quốc gia mới nhất tuyên bố đạt mục tiêu nêu trên. Tính đến ngày 1/9, Indonesia đã tiêm 100 triệu liều vaccine COVID-19, đưa quốc gia Đông Nam Á này đứng thứ 7 thế giới về số liều vaccine được tiêm. Chính phủ nước này nhấn mạnh việc tiêm vaccine và tuân thủ các quy trình y tế sẽ là nguồn lực mạnh mẽ để "Xứ Vạn đảo" tiếp tục giảm số ca mắc COVID-19. Theo giới chức chính phủ, các cơ quan chức năng và toàn thể người dân cần tiếp tục hợp tác để ngăn chặn số ca mắc gia tăng trở lại. Tính đến ngày 3/9, Indonesia ghi nhận 4.109.093 ca mắc COVID-19, trong đó có 134.356 trường hợp tử vong và 3.798.099 bệnh nhân đã bình phục.   

Tại châu Mỹ, kết quả khảo sát của một nhóm chuyên gia y tế Venezuela cho thấy khoảng 3,3 triệu người dân nước này (hơn 10% dân số) đã hoàn tất tiêm chủng theo quy định. Cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện đối với gần 2.500 người tại 335 quận, huyện trên cả nước trong thời gian từ ngày 23-27/8.

Trong số những người được hỏi có 25,3% cho biết đã được tiêm một mũi vaccine, trong khi 10,6% đã hoàn tất cả hai mũi. Tỷ lệ sai số của cuộc thăm dò này là 2,03%. Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro bắt đầu chương trình tiêm chủng từ tháng 5 vừa qua với các loại vaccine Sputnik V của Nga và vaccine của hãng Sinopharm (Trung Quốc). Mặc dù không công bố số liệu thường xuyên, nhưng cơ quan chức năng Venezuela bày tỏ hy vọng sẽ hoàn tất quy trình tiêm vaccine cho khoảng 70% dân số vào tháng 10 tới.     

Tại châu Âu, Bộ Y tế Italy đang lên kế hoạch từ cuối tháng này, triển khai tiêm liều tăng cường vaccine phòng COVID-19 cho những người có hệ miễn dịch yếu. Nước này cũng dự kiến mở rộng hơn nữa việc sử dụng thẻ xanh COVID-19, hiện đang là bắt buộc đối với những người làm việc trong trường học, sinh viên, việc di chuyển đường dài và tiếp cận nhiều hoạt động giải trí. Theo Bộ Y tế Italy, nước này có thể bắt buộc mọi người dân phải tiêm chủng, sau khi các cơ quan quản lý của Liên minh châu Âu (EU) và Italy chính thức phê duyệt vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Thanh Phương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm