Vĩnh biệt đạo diễn Hồ Quang Minh: Chỉ 5 phim, làm nên cả một 'thời xa vắng' cho điện ảnh Việt

21/10/2020 06:54 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Tính đến phim Thời xa vắng, Hồ Quang Minh là đạo diễn của 5 phim (01 tài liệu và 4 phim truyện nhựa). Số phim do ông đạo diễn đều là phim nghệ thuật, có chất lượng cao. Tên tuổi đạo diễn Hồ Quang Minh đã được vinh danh trong các kỳ LHP trong nước và quốc tế. Phim Thời xa vắng được vinh danh tại LHP Thượng Hải, LHP Munich, LHP châu Á (năm 2005). Và giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Singapore đã có tên Hồ Phương Dung, phim Thời xa vắng. Chị là nữ diễn viên thứ hai sau NSND Lan Hương (phim Mùa ổi của Đặng Nhật Minh) nhận được giải thưởng danh giá này.

Phim truyện điện ảnh Việt Nam: Báo động tình trạng thiếu kịch bản hay

Phim truyện điện ảnh Việt Nam: Báo động tình trạng thiếu kịch bản hay

Điện ảnh Việt Nam hiện nay đang rất thiếu kịch bản phim truyện độc đáo và có chất lượng. Và cuộc thi "Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh 2020" do Cục Điện ảnh tổ chức, nhằm "gỡ rối" cho thực trạng này.

 

Đạo diễn Hồ Quang Minh vừa rời xa cõi tạm tại TP.HCM hôm 16/10, gửi lại dương gian tuổi 72 trong bao niềm tiếc nuối của gia đình, bạn hữu và công chúng yêu điện ảnh.

Trở về với “chùm khế ngọt” quê hương

Đạo diễn Hồ Quang Minh sinh ngày 15/4/1949 tại Hà Nội. Năm 1962, ông sang Liên xô (cũ) du học. Yêu điện ảnh, thời kỳ đầu mới chập chững vào nghề, Hồ Quang Minh đã sang Pháp làm trợ lý cho bộ phim Poussière d'Empire (Đế chế tàn vụn) của đạo diễn Lê Lâm. Sau đó, ông tiếp tục sang Thụy Sĩ học và nhập quốc tịch tại đây. Kể từ khi đi du học và định cư tại Thụy Sĩ gần 60 năm nay, đầu năm 2020, ông cùng “cô Tuyết” Hồ Phương Dung của phim Thời xa vắng - người vợ hiền thục tỏa sáng với những vai nữ chính trong phim của chồng, chọn quê hương Việt Nam là nơi trở về sau bao năm xa xứ…

Trong trào lưu Việt kiều về nước làm phim, Hồ Quang Minh là một trong những đạo diễn có mặt sớm nhất. Mảnh đất, con người, văn hóa Việt đã để thương, để nhớ trong ông và đó chính là cội rễ, nguồn mạch hấp dẫn đưa ông đi tới quyết định đó vào năm 1981.

Chú thích ảnh
Đạo diễn Hồ Quang Minh (trái) và nhà văn Lê Lựu 

Thêm nữa, Hồ Quang Minh muốn tìm những triết lý bản địa cho phim của mình. “Được làm phim trên đất quê hương là một hạnh phúc và may mắn lớn. Tôi xác định làm điện ảnh không vì tiền. Tôi không có nhu cầu vật chất cao. Có bằng cấp và uy tín từ thời còn làm việc ở Thụy Sĩ nên giờ tôi làm tư vấn về ngoại thương khoa học, thu nhập cũng đủ sống” - ông nói.

Phường tôi là phim tài liệu video có độ dài 28 phút, được Hồ Quang Minh thực hiện sau một năm (1982) trở về quê hương Việt Nam. Sau đó, ông là đạo diễn của bốn bộ phim truyện nhựa 35mm, gồm: Con thú tật nguyền (năm 1985, tựa tiếng Anh và Pháp: Karma), Trang giấy trắng (năm 1991, tựa tiếng Pháp: Page Blanche), Bụi hồng (năm 1996, tựa nước ngoài từ tiếng Phạn Gate Gate Paragate) và Thời xa vắng (năm 2004, tựa tiếng Anh: A Time Far Past, tiếng Pháp: Le Temps Révolu). Ngoài phim Trang giấy trắng kể về một phụ nữ Campuchia dưới chế độ Khmer Đỏ, còn lại bộ ba Con thú tật nguyền, Bụi hồng, Thời xa vắng là phim đậm chất Việt và tâm hồn Việt.

Chú thích ảnh
Nguyễn Thị Huyền (trước khi trở thành Hoa hậu) và Ngô Thế Quân đóng phim “Thời xa vắng” 

Những bộ phim đầy ấn tượng

Phim Bụi hồng do Hãng phim Giải phóng sản xuất, Phương Nam Phim phát hành năm 1996, gồm ê kíp sáng tạo: Kịch bản - Ngụy Ngữ; âm nhạc - Đặng Hữu Phúc; các diễn viên: Lê Tuấn Anh, Hoàng Phúc, Phương Dung, Thúy Hòa… Phim là câu chuyện về một ngôi chùa ở Huế có một cung phi cắt tóc đi tu sau khi vua Bảo Đại thoái vị.

Cung phi đó là Diệu Thuần quyết định rời bỏ cuộc sống vương giả, đến chùa và xuất gia. Sư cô Diệu Thuần là chị của một người em là cộng sản và một người em là lính cộng hòa. Trong Bụi hồng xen giữa động và tĩnh, giữa thời cuộc và số phận, giữa hoàn cảnh và tâm trạng con người có sự gắn bó máu thịt, như hai nửa của một cơ thể sống. Cái động, cái biến thiên của lịch sử dội vào ngôi chùa, thế giới mạnh mẽ và tĩnh tâm của những con người trong đó. Vương phi Triều Nguyễn đã rũ bỏ bụi trần để về với cõi Phật...

Năm 1985, Hồ Quang Minh hoàn thành phim Con thú tật nguyền (Hãng phim Giải Phóng). Tôi xem bộ phim này trong nỗi ám ảnh không dứt về cảnh phim siêu thực và tính biểu tượng. Phim kể về đội quân rệu rã của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975. Đội quân vừa đánh nhau, vừa lao vào những cuộc tình ái rắc rối... Nhân vật nữ chính là Nga - một cô gái điếm mua vui khách làng chơi. Nga đem lòng yêu Bình - một người lính Việt Nam Cộng hòa có gương mặt bị hủy hoại. Dù bị Bình coi thường là gái điếm, nhưng Nga vẫn một lòng với người đàn ông ấy, kể cả khi Bình đã chết.

Chú thích ảnh
Phim “Con thú tật nguyền”

Bộ phim nói về chiến tranh ở phía bên kia. Với đạo diễn, dù đội quân ấy ở phía nào, cô gái điếm kia là ai… họ vẫn được nhìn nhận ở tư cách con người. Cái nhìn của đạo diễn Hồ Quang Minh đầy tính nhân văn là thế. Khán giả sẽ khó quên cảnh đầu phim có một người phụ nữ mặc bộ trắng đi giữa sa mạc mênh mông và một người đàn ông mặc đồ lính, mặt quấn kín băng trắng, ném cho cô gái những xấp tiền.

Rồi một cảnh khác cũng làm tôi ám ảnh, đó là cảnh một mình vũ nữ khiêu vũ dưới ánh sáng vàng cùng âm thanh tiếng kèn bài Chiếc lá thu phai của Trịnh Công Sơn. Không gian choán đầy bóng tối cùng nỗi buồn giăng mắc mênh mang…

Đầu những năm 2000, Hồ Quang Minh trở về Việt Nam thực hiện dự án phim Thời xa vắng mà ông đã ấp ủ bấy lâu. Như ông chia sẻ chính Thời xa vắng là chất xúc tác, lấy lại niềm đam mê làm phim đã từng làm đạo diễn rơi vào cảm giác không mặn mà với phim ảnh sau khi làm bộ phim Trang giấy trắng.

Chú thích ảnh
Phim “Bụi hồng”

Phim Thời xa vắng chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lê Lựu - một tiểu thuyết tiêu biểu ôm chứa một dung lượng lớn chặng đường lịch sử oai hùng của dân tộc. Lịch sử được khái quát thông qua số phận của anh nông dân Giang Minh Sài. Sài học giỏi, là niềm hy vọng, tự hào của cả gia đình và dòng họ. Nhưng cũng chính niềm tự hào đó đã đặt lên vai cậu bé Sài những áp lực vô hình mà lúc nào anh cũng phải cố, phải thực hiện, phải “chiều lòng” người khác... Áp lực đó khiến tâm hồn con người không lúc nào yên ổn. Sài đã không đủ can đảm vượt qua dư luận để đến với tình yêu đích thực của mình là Hương. Cũng vì thể diện gia đình, đẹp lòng dòng họ, chấp hành ý kiến của cấp trên, Sài đã lấy Tuyết - người vợ không biết chữ. Sài cũng đã rất “cố gắng” yêu vợ theo mệnh lệnh... Nhưng cũng thật khó. Rồi Sài xung phong đi B. Và sau này, Sài cũng đã ly dị Tuyết...

Là một người lính với vẻ ngoài thô mộc, khô khan, nhưng bên trong Giang Minh Sài là một con người âm thầm, đau đáu đi tìm một cái gì đó để cắt nghĩa được chính mình. Con người ấy cứ vùng vẫy muốn vượt thoát khỏi những định kiến, khao khát được yêu, được sống thật với cảm xúc của mình. Tác phẩm chứa nhiều tầng nghĩa trăn trở đầy suy ngẫm của tác giả…

Từ khi đọc Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu, đạo diễn Hồ Quang Minh đã bị ám ảnh không dứt. Ông không chỉ nhanh tay “xí phần” mà còn coi đây là cơ duyên. Không có duyên thì không thể chạm tới điều thiêng liêng ấy. Đạo diễn chia Hồ Quang Minh chia sẻ: “Năm 1988, khi đang ở Thụy Sĩ, được tin nhà văn Lê Lựu ra mắt cuốn tiểu thuyết này, tôi đọc và ưng ý ngay. Tôi lập tức liên lạc với tác giả “xí” phần tác phẩm, để khi về nước chuyển thể thành phim. Tôi tự chuyển thể kịch bản từ tác phẩm văn học của nhà văn Lê Lựu, nên nhất định phim sẽ có những biến đổi theo cách của tôi. Ban đầu, tôi gặp vấn đề về kinh phí, đến năm 1996, tài chính ổn định thì tôi mới có trong tay kịch bản Thời xa vắng…”. Càng đọc, ông càng mê, càng đau đáu cùng tác phẩm.

Chú thích ảnh
Cảnh tượng khó quên trong phim “Con thú tật nguyền”

Song là một đạo diễn có nghề, từ kịch bản ban đầu, Hồ Quang Minh tự làm khó cho mình với hơn 10 lần chỉnh sửa. Tái tạo lại tác phẩm theo ngôn ngữ điện ảnh, Hồ Quang Minh chọn phần đầu tiểu thuyết Thời xa vắng và một phần truyện ngắn Bến sông của nhà văn Lê Lựu để dựng kịch bản phim Thời xa vắng. Sau nhiều lần chỉnh sửa kịch bản, đạo diễn cho biết “trừ trục nhân vật chính luôn ổn định, còn lại các nhân vật khác là tùy thuộc sáng tạo của nhà biên kịch. Tôi sắm cả 2i vai biên kịch và đạo diễn, nên cũng có lợi thế cho riêng. Cứ mỗi lần sửa kịch bản, tôi lại phát hiện thêm một nhân vật mới cần đưa vào và đồng thời cũng mạnh dạn loại bỏ không thương tiếc gương mặt không cảm thấy phù hợp. Tiêu chí đầu tiên trong phim tôi làm phải là sự trung thực. Tôi quan tâm số phận con người. Thời xa vắng ám ảnh tôi về phận người”.

Đạo diễn chỉn chu, kỹ lưỡng từ khâu kịch bản, chọn ê kíp sáng tạo. Ông rất khó tính khi đặt ra yêu cầu không đóng thế và phải thuộc lời thoại. Hồ Quang Minh chọn diễn viên Hồ Phương Dung - người vợ hiền đóng nhân vật Tuyết, vì chị xứng đáng, chứ tuyệt nhiên không phải vì quan hệ gia đình. Chị đã ấp ủ cùng chồng kịch bản này trong nhiều năm. Trước khi đóng phim, nhờ sự giúp đỡ của nhà văn Lê Lựu, diễn viên Hồ Phương Dung đã về quê, sống cạnh vợ nhà văn Lê Lựu trong thời gian khá dài. Vốn là một phụ nữ Hà thành xa Thủ đô từ khi còn rất trẻ, lại chưa bao giờ biết đến cuộc sống nông thôn, chuyện đồng áng… Chị tự hóa trang cho nhân vật Tuyết và hóa thân vào nhân vật ngọt khiến dân trong nghề hết sức ngạc nhiên. Vai diễn thành công ngoài mong đợi. Nhà văn Lê Lựu chỉ còn biết thán phục người nghệ sĩ đã thăng hoa sáng tạo cho tác phẩm của mình.

Ngoài diễn viên gạo cội Hồ Phương Dung, đạo diễn đã chọn những gương mặt diễn viên rất mới tham gia, như: Ngô Thế Quân, Nguyễn Thị Huyền… Nhân vật Giang Minh Sài do Ngô Thế Quân đóng rất nhuyễn ngọt. Nhân vật Hương - tình yêu đích thực của Sài do Nguyễn Thị Huyền đảm nhiệm trước khi Nguyễn Thị Huyền đăng quang Hoa hậu Việt Nam năm 2004…

Cùng các đạo diễn Việt kiều, như Trần Anh Hùng (Mùi đu đủ xanh, 1992), Tony Bùi (Ba mùa), Mùa Hè chiều thẳng đứng (Trần Anh Hùng), Nguyễn Võ Nghiêm Minh (Mùa len trâu),  Đoàn Minh Phượng (Hạt mưa rơi bao lâu), Lưu Huỳnh (Áo lụa Hà Đông)…  Hồ Quang Minh đã góp thêm bộ phim Thời xa vắng mang ra thế giới, góp phần quảng bá văn hóa Việt và mang về cho điện ảnh Việt nhiều nhiều giải thưởng danh giá.

PGS-TS Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm