Tiếp theo vụ lùm xùm tranh giả - tranh nhái: Đã đến lúc để bảo tàng đưa ra kết luận

20/07/2016 14:42 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Vào lúc 9h ngày 19/7 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã diễn ra cuộc họp kín về tính nguyên gốc và chất lượng bộ sưu tập của Vũ Xuân Chung, trong đó có tác phẩm nhái phong cách của Thành Chương, ký tên Tạ Tỵ. Dù kết quả thế nào thì đây vẫn là một tiền lệ tốt, vì gần như lần đầu tiên Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tổ chức thảo luận để đưa ra kết luận về tranh giả - tranh nhái.

Như Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã đề cập từ ngày 11/7, vụ lùm xùm này đến từ triển lãm Những bức tranh từ châu Âu về (của ông Vũ Xuân Chung) khai mạc lúc 16h ngày 10/7 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Trong khoảng 10 ngày qua đã có rất nhiều câu hỏi đặt ra rằng có bao nhiêu bức (trong 17 bức) của triển lãm này là thật.

Thậm chí có nhiều ý kiến (như của họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Nguyễn Quân, Quách Phong…) là “cả 17 bức này đều không có cơ sở gì để tin đó là tranh thật, vì chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật tạo tác đều quá lôm côm” - lời Quách Phong.

1. Sau khai mạc một vài ngày thì họa sĩ Thành Chương từ Hà Nội vào xem trực tiếp triển lãm và nhận ra bức tranh được đặt tên Trừu tượng (sơn dầu, 47 x 56 cm, 1952) với chữ ký của Tạ Tỵ thật ra là tranh nhái từ một tác phẩm mà anh vẽ đầu thập niên 1970.

Ông Vũ Xuân Chung cho biết mình mua bức này từ Jean François Hubert (người Pháp, từng là cố vấn cao cấp của nhà đấu giá Christie’s) cùng với giấy chứng nhận của ông này. Giả dụ Thành Chương hoặc gia đình Tạ Tỵ không phát hiện ra đây là tranh giả - tranh nhái, thì tự thân tác phẩm cũng nói lên điều đó rồi.


Bức tranh lập thể của Thành Chương bị “hô biến” thành tranh “Trừu tượng” của Tạ Tỵ

Đầu tiên, rõ ràng tác phẩm được vẽ theo phong cách kỷ hà chuyển hướng lập thể, tạm gọi là lập thể (cubism) cũng được, thì thật khó để đặt tên là trừu tượng (abstractionism). Nếu là một chuyên gia có trách nhiệm và một nhà sưu tập có kinh nghiệm thì sẽ thấy ngay sự vô lý này.

Thứ hai, theo phân tích của họa sĩ Trịnh Cung thì: “một bức sơn dầu trên 60 năm mà tại sao chỉ có riêng chữ ký là còn tươi mới, trong khi cả bức tranh đã ố màu, nứt nẻ, xuống cấp.

Với lại, Tạ Tỵ học sơn dầu bài bản nên sẽ chẳng bao giờ mắc những lỗi căn bản về vật liệu như vậy - tất cả tranh sơn dầu thật của Tạ Tỵ có thể chứng minh cho điều này. Người làm nhái bức tranh của Thành Chương cho thấy họ không có trình độ căn bản về sơn dầu và toan nên khi cố làm cho tác phẩm cũ thì lộ ra nhiều lỗi căn bản về vật liệu”.

“Hơn nữa, khi nhìn cách tạo hình đầu trâu, nón lá, mục đồng… của tranh Thành Chương sau này, nó cho thấy sự kế thừa rõ ràng từ bức được gọi tên là Trừu tượng kia. Tạ Tỵ rất thành công với lập thể và trừu tượng, nhưng rõ ràng cách tạo hình, tư duy sáng tạo của ông ấy hoàn toàn khác”.

2. Nhìn ở khía cạnh báo chí, truyền thông, có ít nhất 3 lần Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM bị dính đến tranh giả - tranh nhái. Năm 1996, tại triển lãm một bộ sưu tập ở bảo tàng này, họa sĩ Trịnh Cung và Đỗ Quang Em phát hiện tranh ký tên mình là giả. Trịnh Cung đã cùng phóng viên báo Công an TP.HCM đến hiện trường chụp hình, rồi viết bài phản ánh về việc này.

Ngày 7/10/2011, tại Triển lãm bộ sưu tập tranh quý của ông Tira Vanichtheeranot, báo chí phát hiện ra một bức tranh giả và một bức tranh nhái Bùi Xuân Phái. Đó là những vụ được phát hiện, còn nếu trót lọt và bán được tác phẩm thì sao, chẳng phải người mua vì niềm tin vào bảo tàng mà ôm trọn đồ giả?

Mới đây, họa sĩ Hứa Thanh Bình (PGĐ Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM) trả lời báo chí: “Trong vài năm trở lại đây, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM có sự mở rộng đối với các cuộc triển lãm. Tức là đáng lý chất lượng cuộc triển lãm phải A+ mới được bày tranh thì bảo tàng có thể chấp nhận các triển lãm có chất lượng B+. Đến năm 2016, bảo tàng đã siết lại hoạt động trưng bày nhưng việc đáng tiếc lại xảy ra”.

Nhìn ở khía cạnh khác, việc bảo tàng để những triển lãm muốn “lộng giả thành chân” như thế này xuất hiện lại là cơ hội công khai để dư luận vào cuộc.

Nhiều người biết tranh giả - tranh nhái tàn phá phẩm giá của mỹ thuật Việt Nam trong 30 năm qua, nhưng để có một chứng cứ rõ ràng và để bảo tàng phải lập hội đồng thẩm định, tranh luận thì đây có lẽ là lần đầu tiên. Triển lãm Những bức tranh từ châu Âu về bổ túc thêm một chứng cứ công khai về nạn tranh giả - tranh nhái.

Cho nên kết luận của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM như thế nào về bức tranh nhái phong cách Thành Chương và chất lượng bộ sưu tập của Vũ Xuân Chung không còn quan trọng nữa, vì sự thật đã được bày biện công khai trên truyền thông, báo chí.

Kết luận và kiến nghị của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

- 15 bức tranh thuộc bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung đang triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM là không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện.

- 2 bức tranh trong bộ sưu tập này là mạo danh chữ ký tác giả (họa sĩ Tạ Tỵ và họa sĩ Sỹ Ngọc).

- Tạm giữ tất cả 17 bức tranh thuộc bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung để phục vụ công tác điều tra.

- Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xử lý và sớm có kết luận cho vấn đề này.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm