Chữ và nghĩa: Cơm sống tại nồi, hay sống tại vung?

03/11/2021 07:01 GMT+7

(lienminhbng.org) - Đây có phải là câu tục ngữ nói về chuyện nấu cơm?

Chữ và nghĩa: Bài thuốc dân gian 'Đau bụng cỏ gú…'

Chữ và nghĩa: Bài thuốc dân gian 'Đau bụng cỏ gú…'

Câu tục ngữ này viết đầy đủ là: “Đau bụng cỏ gú, đau vú diếp rừng, đau lưng hổ cốt, đau nhọt lá lang, đau sang máu chó”. Đây là “bài tổng kết”, là kinh nghiệm dân gian về công dụng của các lá cây (và cao động vật) trong việc trị một số bệnh thông dụng trong đời sống.

Dĩ nhiên, nếu căn cứ vào ngôn ngữ tường minh thì đây là sự tình liên quan tới chuyện nấu cơm. Đó cũng là một việc bình thường nhưng không thể thiếu với bất cứ một người nội trợ nào khi vào bếp.

Cũng bởi, cơm là món ăn chính, thức ăn là món ăn phụ. Người Việt dùng từ “bữa cơm” để chỉ “tổng thể nói chung những những thức ăn uống trong cùng một lần vào một lúc nhất định, theo lệ thường” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).

Bữa cơm trưa, bữa cơm tối, bữa cơm mới, bữa cơm tất niên, “Bữa cơm thường trong bản nhỏ” (Chế Lan Viên)… đều là bữa ăn thường thấy trong mỗi gia đình. Thậm chí, có bữa chỉ ăn các món khác không có cơm, như bánh cuốn, bún riêu, ngô luộc thay thế thì người ta cũng coi đó là một “bữa cơm” như thường lệ.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa

Ngày xưa, với nhà nghèo (hay bây giờ với những gia đình còn gian khó), bữa ăn dọn ra duy nhất chỉ có cơm. Thức ăn chẳng có và nếu có cũng rất đạm bạc. Không hiếm gia đình chỉ ăn cơm với muối. Rau dưa có khi còn chẳng có nói gì tới thịt, cá cao sang (có cơm ăn là tốt rồi).

Ấy thế mà cơm lại sống. Vậy thì còn ăn gì?

Cơm sống, cơm sượng cũng có dăm bảy đường sống, sượng. Về nguyên nhân, dĩ nhiên cũng vì nhiều lẽ. Đổ không đủ nước, khi thổi, khi vần không đủ lửa (bếp nhà nông ngày xưa sơ sài, mưa gió bị dột ướt chưa chắc đã nhóm được, nhóm được mà lửa lom đom lúc cháy lúc không thì cũng chẳng nên cơm). Nhưng ở trong câu tục ngữ trên, người nói lại băn khoăn trước 2 nguyên nhân: “tại nồi” hoặc “tại vung”?

Tại nồi hở, thủng, nước chảy ra ngoài làm cơm không đủ nước. Tại vung vênh, vỡ, hở, vì vậy mà hơi bay đi hết. Không đủ cả 2 (nước, độ nóng) thì sống là đương nhiên rồi.

Nhưng chỉ có thế thôi thì chẳng có gì đáng nói. Cái đáng nói ở đây là dân gian mượn chuyện “cơm sống/ cơm chín” để chuyển tải một thông điệp khác.

Đó là trong cuộc sống, có những chuyện, những việc không thành như dự định. Khi đó, người ta hay truy tìm “đâu là nguyên nhân dẫn đến sự tình bất thành đó”. Chuyện chàng và nàng tưởng xuôi chèo mát mái hóa ra đổ bể “phút bù giờ”. Chuyện gia đình nọ “cơm không lành canh không ngọt” dẫn đến cửa nhà tan nát. Chuyện làm ăn của công ty nào đó thất bại. Chuyện cơ quan mất đoàn kết nội bộ. Chuyện đội bóng đang thắng bỗng thua mấy trận “rất khó hiểu”…

Thật khó để “bắt mạch” xem sự tình kia “vì đâu nên nỗi”. Cũng như khi bắc ra, thấy nồi cơm “sống nhăn” kia mà chẳng rõ tại cái nồi hay tại cái vung. Nồi cãi nồi đúng. Vung nói vung không sai. Chẳng có ai làm trọng tài phân xử, mà nếu có người phân xử cũng chẳng ai nghe.

Chuyện như thế vẫn xảy ra xưa nay trên đời này. Nó không chỉ ở trong gia đình mà còn (nhiều nữa là khác) ngoài xã hội. Khi có một sự cố xảy ra, người ta hay lúng túng biện bạch, thậm chí mù mờ trong việc kết luận nguyên nhân, nhất là truy nguyên trách nhiệm thuộc về ai. Thế là “đồng đổ cho tướng, tướng đổ cho đồng”, chẳng ai đứng ra chịu trách nhiệm cả. Hòa cả làng!

Cơm kia sống rõ ràng rồi

Vung chẳng chịu nhận mà nồi cũng không

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm